G20 quan ngại về triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu​

Tuyên bố của G20 nhận định nền kinh tế toàn cầu đã cho thấy sức đề kháng trước những cú sốc gần đây. Tuy nhiên, triển vọng vẫn ảm đạm, không đồng đều và ngày càng có nhiều chênh lệch.

Quốc kỳ các Nền Kinh tế thành viên dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các Nền Kinh tế Phát triển và Mới nổi Hàng đầu Thế giới (G20). (Ảnh: POS-KUPANG/TTXVN)

Các quan chức tài chính của Nhóm các Nền Kinh tế Phát triển và Mới nổi Hàng đầu Thế giới (G20) ngày 13/10 nhấn mạnh triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng không đồng đều và không ổn định, đồng thời thừa nhận các vấn đề về an ninh và địa chính trị có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Khép lại hai ngày hội nghị tại Morocco, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G20 đã ra tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh quan ngại sâu sắc về những khó khăn của người dân cũng như tác động nghiêm trọng của các cuộc chiến tranh và xung đột.

[Hội nghị thượng đỉnh G20 giải quyết những thách thức kinh tế nổi bật]

Dù nhấn mạnh G20 là một diễn đàn thảo luận các vấn đề kinh tế và tài chính, các quan chức tài chính của nhóm này đã hối thúc các nước duy trì luật pháp quốc tế, cũng như bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Đây là lần đầu tiên trong bảy cuộc họp qua các quan chức tài chính của G20 có thể đưa ra tuyên bố chung, sau khi sự chia rẽ sâu sắc đã khiến các cuộc họp trước đó không thể đi đến đồng thuận.

Tuyên bố của G20 nhận định nền kinh tế toàn cầu đã cho thấy sức đề kháng trước những cú sốc gần đây. Tuy nhiên, triển vọng vẫn ảm đạm, không đồng đều và ngày càng có nhiều chênh lệch.

Các Bộ trưởng Tài chính G20 cho rằng kinh tế thế giới có nguy cơ suy giảm do những căng thẳng địa kinh tế, thời tiết cực đoan, thiên tai và chính sách thắt chặt tiền tệ.

G20 cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải căn chỉnh các chính sách tài chính, tài khoá, tiền tệ và cơ cấu hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng, giảm bất bình đẳng và duy trì ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô.

Cuộc họp lần này của G20 diễn ra trong bối cảnh ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn đang nâng lãi suất mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát, và nhiều nước thành viên G20 đang chịu tác động từ sự gia tăng của giá nhiên liệu và nguyên vật liệu thô do tình hình chiến sự tại Ukraine.

Bên cạnh đó, sự suy yếu kinh tế tại Trung Quốc, một thành viên của G20, cũng đang phủ bóng lên triển vọng kinh tế toàn cầu. Cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều dự đoán tăng trưởng sẽ giảm tốc mạnh trong năm nay so với năm 2022.

Ngoài ra, xung đột gần đây giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đã thổi bùng căng thẳng ở Trung Đông, và tâm lý lo ngại về địa chính trị đã lan rộng khắp các thị trường tài chính./.

Khánh Ly (TTXVN/Vietnam+)