Fed trì hoãn hành động không cản trở “làn sóng” hạ lãi suất toàn cầu
Khi nửa cuối năm đang đến gần, viễn cảnh nới lỏng các chính sách “thắt lưng buộc bụng” dường như ngày càng trở thành hiện thực đối với phần lớn thế giới.
Các nhà hoạch định chính sách toàn cầu sẽ không để việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn cắt giảm lãi suất ảnh hưởng quá nhiều đến nỗ lực nới lỏng chính sách tiền tệ của họ.
Đây là nhận định do các nhà kinh tế của hãng tin Bloomberg đưa ra trong báo cáo hướng dẫn hàng quý của hãng.
Trong số 23 ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới được khảo sát, chỉ có Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoE) không giảm chi phí đi vay trong vòng 18 tháng tới. Hầu hết các ngân hàng trung ương khác dự kiến hành động trong năm nay.
Dự kiến, tổng lãi suất chuẩn toàn cầu do Bloomberg Economics tổng hợp sẽ giảm 155 điểm cơ bản vào cuối năm 2025. Ngay cả Fed vẫn nhiều khả năng sẽ thực hiện một số động thái trong năm nay.
Một điều rõ ràng là khả năng các ngân hàng trung ương nhanh chóng loại bỏ biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ đang giảm dần.
Cùng với sự thận trọng ở Mỹ, các ngân hàng trung ương lo lắng về áp lực giá tiêu dùng kéo dài được cho là sẽ áp dụng quỹ đạo giảm lãi suất nhẹ nhàng hơn nhiều so với khi họ tăng lãi suất.
Việc nới lỏng chính sách tiền tệ trên khắp thế giới phát triển cũng tỏ ra tương đối thiếu đồng bộ. Ví dụ, ở châu Âu, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ đã cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thực hiện một lần, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) vẫn chưa hành động và các quan chức Na Uy chỉ ra tín hiệu rằng họ khó có thể hạ lãi suất trước năm 2025.
Việc thúc đẩy nới lỏng toàn cầu vẫn có thể gặp phải những trở ngại hơn, như Ngân hàng trung ương Australia thậm chí không loại trừ khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa.
Nhưng khi nửa cuối năm đang đến gần, viễn cảnh nới lỏng các chính sách “thắt lưng buộc bụng” dường như ngày càng trở thành hiện thực đối với phần lớn thế giới.
Mỹ: Fed giữ tâm lý thận trọng
Dự báo trung bình được công bố vào tháng Sáu cho thấy các quan chức Fed đã lên kế hoạch cắt giảm lãi suất một lần trong năm nay.
Các bên tham gia thị trường sẽ tìm manh mối về việc liệu điều đó có thể xảy ra trong quý 3/2024, vào cuối năm hay thậm chí muộn hơn nữa.
Các nhà kinh tế của Bloomberg nhận định lạm phát bất ngờ tăng cao vào đầu năm 2024 và biểu đồ chấm của tháng Sáu cho thấy Fed có thể thực hiện một lần cắt giảm 25 điểm cơ bản trong năm nay.
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết sự suy yếu “bất ngờ” của thị trường lao động có thể thúc đẩy việc cắt giảm nhanh hơn.Bloomberg nhận định tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 4,2% vào tháng 9 và ngay cả khi lạm phát cốt lõi vẫn cao hơn mục tiêu 2%, Fed có thể sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách sau đó.
Dự kiến, Fed có thể cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng Chín và tháng 12/2024 với tổng cộng 50 điểm trong năm nay, rồi tiếp tục hạ thêm 100 điểm cơ bản trong năm 2025.
Lãi suất khi đó sẽ giảm từ ngưỡng 5,5% hiện tại xuống khoảng 5% vào cuối năm 2024 và 4% vào cuối năm 2025.
Châu Âu: ECB chưa vội hành động thêm
ECB đã chính thức hạ lãi suất chủ chốt xuống 3,75% vào ngày 6/6, đánh dấu lần cắt giảm đầu tiên kể từ năm 2019. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương của châu Âu vẫn chưa vội hành động thêm.
Theo loạt dự báo hàng quý mới nhất do Chủ tịch ECB Christine Lagarde công bố, lạm phát tuy vẫn đang giảm dần nhưng sẽ không đạt được mục tiêu 2% một cách bền vững cho đến gần cuối năm 2025.Tăng trưởng tiền lương, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ đang khiến giá tiêu dùng tăng cao.
Trong bối cảnh đó, các quan chức đang lo lắng về việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá vội vàng. Khả năng ECB cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng Bảy gần như bị loại trừ và giới quan sát đang đặt cược cho một hành động vào tháng Chín. Tiếp theo có thể là một động thái khác vào tháng 12, khi lạm phát chung có thể ở dưới mức mục tiêu và khiến cho lập trường duy trì chính sách tiền tệ hạn chế của ECB khó có thể biện minh.
Lãi suất của ECB dự kiến sẽ giảm còn 3,25% vào cuối năm nay và 2,25% vào cuối năm sau.
Nhật Bản: Triển vọng nhiều phức tạp
Các báo cáo đáng chú ý trong quý này của BoJ có thể đến sớm nhất là vào tháng Bảy. Thống đốc Kazuo Ueda đã chuẩn bị công bố kế hoạch thắt chặt định lượng nhằm giảm việc mua trái phiếu tại cuộc họp tháng này.
Cũng không loại trừ khả năng BoJ sẽ đồng thời tăng lãi suất.Tuy nhiên, tình hình thị trường tiền tệ có thể tiếp tục khiến công việc của BoJ thêm phức tạp. Đồng yen yếu đã gây áp lực lên các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ do chi phí nhập khẩu tăng cao - một lý do khiến nền kinh tế suy thoái hai lần trong ba quý vừa qua.
Ngày càng có nhiều quan điểm thị trường cho rằng sớm hay muộn sẽ đến lượt BoJ phải hành động để hỗ trợ đồng nội tệ. Theo các nhà kinh tế của Bloomberg, BoJ có vẻ quyết tâm bình thường hóa chính sách tiền tệ với niềm tin rằng kinh tế Nhật Bản đang thoát khỏi thời kỳ trì trệ kéo dài hàng thập kỷ.
Một động lực khác là BoJ muốn đưa lãi suất ra khỏi mức “giới hạn dưới 0” để có thể linh hoạt hơn. Bloomberg cho rằng ngân hàng trung ương này muốn đảm bảo một bước đệm chính sách trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ổn định.
Các nhà kinh tế Bloomberg kỳ vọng BOJ sẽ tăng mục tiêu lãi suất thêm 15 điểm cơ bản lên mức 0,15-0,25% trong tháng Bảy, sau đó lên 0,4% -0,5% vào tháng 10. Kết thúc năm nay, lãi suất chuẩn của BoJ dự kiến ở ngưỡng 0,5% và sẽ duy trì mức này cho đến cuối năm tới.
Anh: BoE ngày một ôn hòa
BOE đã đưa ra khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng Tám tại cuộc họp của Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) ngày 20/6. Quyết định đó đã trở nên phức tạp do cuộc bầu cử ở Anh vào ngày 4/7, với các chiến dịch tranh cử đang diễn ra sôi nổi. Mặc dù MPC nói rằng cuộc bầu cử “không liên quan” đến quyết định, nhưng thời điểm đưa ra không thuận tiện.
Các nhà kinh tế tin rằng những trở ngại chính đối với việc BoE giảm lãi suất vẫn là giá dịch vụ và tăng trưởng tiền lương tiếp tục cao, trong khi đây là những yếu tố đang được BoE sử dụng để đo lường áp lực lạm phát cơ bản.
Ngoài ra, lạm phát đã quay trở lại mục tiêu 2% nhưng BoE dự báo nó sẽ bắt đầu tăng trở lại trước cuối năm nay.Theo đánh giá của Bloomberg, BoE có vẻ ngày càng ôn hòa trong những tháng gần đây, cho thấy việc cắt giảm lãi suất vào tháng Tám chắc chắn sẽ được cân nhắc.
Bloomberg cho rằng các số liệu sắp tới sẽ phải thực sự gây bất ngờ lớn mới khiến BoE trì hoãn việc bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Lần cắt giảm thứ hai có thể sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay.
Khi đó, lãi suất chuẩn của Anh dự kiến giảm từ 5,25% hiện thời xuống 4,75% vào cuối năm 2024 và 3,75% vào cuối năm sau.
Trung Quốc: Cân bằng để đảm bảo tăng trưởng
Các quan chức Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đang nỗ lực cân bằng nhu cầu hỗ trợ tiền tệ và kích thích nền kinh tế.Việc Fed chậm trễ cắt giảm lãi suất tiếp tục gây áp lực lên đồng nhân dân tệ trong khi tốc độ phục hồi tăng trưởng của Trung Quốc vẫn không ổn định.
Xuất khẩu và khu vực công nghiệp nói chung phục hồi nhanh hơn mức tiêu dùng, phản ánh nhu cầu trong nước vẫn khá chậm.Cùng với đó, PBoC cũng có thể đang chuẩn bị cho một sự thay đổi lớn trong cách quản lý tiền và thanh khoản, mặc dù những thay đổi mà Thống đốc Phan Công Thắng (Pan Gongsheng) gợi ý có thể chưa giải quyết được các vấn đề trước mắt như giảm phát và nhu cầu vay yếu.
Bloomberg chỉ ra phát biểu hồi giữa tháng Sáu của Thống đốc PBoC cho thấy mối lo ngại về sự ổn định tỷ giá hối đoái đã chi phối các cuộc thảo luận chính sách. Điều này củng cố quan điểm rằng PBOC có thể giảm lãi suất là tháng Chín, khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách.
Lãi suất ở Mỹ thấp hơn có thể giúp quyết định hạ lãi suất của PBoC ít khả năng gây tổn hại đến đồng nhân dân tệ hơn.Lãi suất cho vay trung hạn 1 năm hiện tại của PBoC là 2,5%.
Các nhà kinh tế Bloomberg dự báo con số trên sẽ hạ xuống khoảng 2,3% vào cuối năm 2024 rồi tiếp tục giảm còn 2% trong năm tới./.