Fed lý giải nguyên nhân cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm
Các nhà hoạch định chính sách của Fed quyết định giảm mạnh lãi suất 0,5 điểm phần trăm lần đầu tiên sau hơn 4 năm, đồng thời các thành viên đã có những quan điểm trái chiều.
Biên bản cuộc họp tháng Chín của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được công bố ngày 9/10 cho thấy các quan chức Fed đã nhất trí về việc hạ lãi suất, nhưng bất đồng về mức độ cắt giảm.
Cuối cùng, các quan chức Fed đã đi đến quyết định giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm nhằm cân bằng giữa niềm tin vào lạm phát và những lo ngại về thị trường lao động.
Biên bản cuộc họp đã nêu những lý do khiến các nhà hoạch định chính sách quyết định giảm mạnh lãi suất 0,5 điểm phần trăm lần đầu tiên sau hơn bốn năm, đồng thời cho thấy các thành viên đã có những quan điểm trái chiều về triển vọng kinh tế.
Một số quan chức muốn giảm lãi suất ít hơn, 0,25 điểm phần trăm, vì họ muốn đảm bảo rằng lạm phát đang giảm một cách ổn định.
Biên bản cho biết một số người cho rằng việc giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm sẽ phù hợp với lộ trình bình thường hóa chính sách dần dần, cho phép các nhà hoạch định chính sách có thời gian đánh giá mức độ hạn chế của chính sách theo diễn biến của nền kinh tế.
Nhưng cuối cùng, chỉ có một thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) là Thống đốc Michelle Bowman bỏ phiếu phản đối mức cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Đây là lần đầu tiên có một Thống đốc phản đối trong một cuộc bỏ phiếu về lãi suất kể từ năm 2005.
Biên bản cho biết việc bỏ phiếu thông qua mức cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm được đưa ra "dựa trên những tiến triển về lạm phát và sự cân bằng các rủi ro" đối với thị trường lao động. Biên bản lưu ý rằng “đa số người tham gia” ủng hộ giảm mạnh lãi suất như vậy, nhưng không nêu rõ có bao nhiêu người phản đối.
Theo biên bản, những người tham gia cuộc họp tháng Chín nhấn mạnh điều quan trọng là phải truyền đạt thông điệp rằng, việc thay đổi lập trường chính sách tại cuộc họp này không nên được hiểu là bằng chứng cho thấy triển vọng kinh tế kém thuận lợi hơn, hoặc là tín hiệu cho thấy tốc độ nới lỏng chính sách sẽ nhanh hơn so với mức mà những người tham gia cuộc họp cho là phù hợp.
Biên bản cho biết việc thay đổi lập trường như vậy sẽ giúp chính sách phù hợp hơn với các chỉ báo gần đây về lạm phát và thị trường lao động.
Những người ủng hộ cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm “cũng nhấn mạnh rằng động thái như vậy sẽ giúp duy trì sức mạnh của nền kinh tế và thị trường lao động, đồng thời tiếp tục thúc đẩy tiến triển về lạm phát và phản ánh sự cân bằng các rủi ro.”
Bình thường, Fed ưa thích cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm cho mỗi lần. Trước đây, ngân hàng này mới chỉ hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong thời kỳ COVID-19 và trước đó là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường đang dự đoán lãi suất của Fed sẽ nằm trong khoảng 3,25-3,5% vào cuối năm nay.
Các chuyên gia nhận định, việc Fed cắt giảm lãi suất gần đây mang đến những cơ hội và thách thức cho các ngân hàng trung ương ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách cần áp dụng một cách tiếp cận cân bằng và cụ thể theo từng quốc gia để điều hướng các áp lực lạm phát tiềm ẩn, biến động tỷ giá hối đoái cũng như dòng vốn chảy vào.
Trong quá trình định hình lập trường chính sách của mình, các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi cần tính đến chênh lệch lãi suất với Mỹ, điều sẽ tác động đến dòng vốn và tỷ giá hối đoái.
Việc Fed hạ lãi suất mở ra cơ hội để nhiều ngân hàng trung ương trong khu vực nới lỏng chính sách nhằm kích thích nhu cầu và tăng trưởng trong nước, mà không gây ra tình trạng dòng vốn chảy ra và tỷ giá hối đoái mất giá.
Tuy nhiên, vì tốc độ và thời gian của chu kỳ nới lỏng của Fed vẫn chưa chắc chắn, nên một phản ứng chính sách phù hợp ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ đòi hỏi sự thận trọng và hành động cân bằng cẩn thận./.