Fed không vội vàng nới lỏng chính sách tiền tệ trong ngắn hạn
Thời gian qua, việc lãi suất cơ bản tăng vọt, trong khi lạm phát không giảm như kỳ vọng, khiến nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ phải chật vật gồng gánh áp lực chi phí cao.
Thị trường, giới đầu tư và không ít người dân Mỹ đang chờ đợi một đợt cắt giảm lãi suất cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Ngân hàng trung ương - Fed). Tuy nhiên, nhiều tín hiệu cho thấy Fed sẽ “chơi” ván bài an toàn và không vội vàng nới lỏng chính sách tiền tệ trong ngắn hạn.
Trước thềm cuộc họp Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed trong tuần này, các nhà đầu tư và giới phân tích dự báo một cú đảo chiều chính sách của Fed, theo hướng hạ lãi suất và nới lỏng dòng tiền sau 11 lần tăng lãi suất liên tục trong vòng hơn 2 năm qua.
Trong ấn phẩm Sách Beige công bố đầu tháng này, Fed đã phác họa bức tranh khá toàn diện về kinh tế Mỹ hiện nay. Nhìn chung, các số liệu cho thấy triển vọng tích cực của nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Kinh tế nước này tăng trưởng nhẹ và cân bằng trong hai tháng đầu năm 2024, chi tiêu tiêu dùng, nhất là hàng hóa bán lẻ, có chuyển biến. Thị trường tín dụng khá ổn định khi chất lượng tín dụng về cơ bản ở ngưỡng lành mạnh.
Thị trường lao động cũng đón nhận nhiều tín hiệu khởi sắc khi nhu cầu việc làm tăng nhẹ ở hầu hết các khu vực, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,9%, khả năng cung cấp lao động, giữ chân nhân viên ngày càng được cải thiện, trong khi thị trường tiền lương tăng ổn định.
Một số chuyên gia kinh tế dự báo giờ là thời điểm Fed cân nhắc hạ lãi suất để tránh bóp nghẹt nền kinh tế hơn nữa. Thời gian qua, việc lãi suất cơ bản tăng vọt, trong khi lạm phát không giảm như kỳ vọng, khiến nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ phải chật vật gồng gánh áp lực chi phí cao.
Chuyên gia Silvio Tavares, Giám đốc điều hành hãng xếp hạng tín nhiệm Vantage Score, cho rằng lãi suất cao đang khiến nền kinh tế số thế giới đối mặt với nhiều áp lực và căng thẳng.
Theo bà Rubeela Farooqi, nhà kinh tế trưởng của High Frequency Economics, nhiều khu vực của nền kinh tế, trong đó có ngành chế tạo, ngày càng chịu tác động bất lợi vì lãi suất tăng mạnh và các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn.
Một nhóm hơn 20 hạ nghị sỹ và thượng nghị sỹ đảng Dân chủ mới đây đã gửi thư chung kêu gọi Fed giảm lãi suất lần đầu tiên trong năm nay để hỗ trợ người tiêu dùng và nền kinh tế.
Theo các nhà lập pháp Mỹ, lạm phát về cơ bản đang giảm đúng lộ trình của Fed, nên việc siết chặt dòng tiền quá mức trong thời gian dài sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng thị trường, tạo rủi ro lớn cho ngành ngân hàng, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ hủy hoại các thành tựu tăng trưởng việc làm và cải thiện tiền lương.
Tuy nhiên, lạm phát vẫn là yếu tố mang tính quyết định. Ông Morgane Delledonne, cựu chuyên gia hàng đầu về Fed tại French Treasury, đánh giá số liệu kinh tế có khởi sắc nhưng lạm phát vẫn là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ.
Do đó, khả năng cao nhất là Fed sẽ tiếp tục giữ nguyên biên độ lãi suất hiện nay một thời gian nữa và đợt cắt giảm sớm nhất có thể diễn ra vào đầu quý 3/2024.
Phát biểu tại cuộc điều trần trước Ủy ban Tài chính Hạ viện hôm 6/3, chính Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng đánh giá triển vọng kiềm chế và kéo tỷ lệ lạm phát về ngưỡng mong muốn 2% “không mấy chắc chắn,” lạm phát tuy đã rời xa mức đỉnh hồi tháng 9/2022 nhưng vẫn gây áp lực rất lớn cho toàn bộ nền kinh tế, nên việc vội vàng cắt giảm lãi suất vào thời điểm này là bước đi không phù hợp.
Ông Powell lưu ý rằng việc hạ lãi suất quá nhanh có thể phá tan mọi nỗ lực và thành quả chống lạm phát, thậm chí khiến Fed phải tăng lãi suất trở lại. Người đứng đầu Fed cho biết thêm các nhà hoạch định chính sách của Fed để ngỏ khả năng thực hiện 3 đợt cắt giảm lãi suất cơ bản trong năm 2024 nếu nền kinh tế tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng như kỳ vọng và cuộc chiến chống lạm phát cho thấy kết quả thiết thực. Số liệu mới nhất công bố ngày 14/3 của Bộ Lao động Mỹ càng khiến viễn cảnh Fed sớm hạ lãi suất thêm xa vời.
Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,2%, từ mức 3,1% hồi tháng Giêng lên 3,2% trong tháng 2 vừa qua. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 2 cũng tăng gấp đôi so với mức tăng của tháng trước đó.
Theo nhà kinh tế Scott Anderson tại tập đoàn BMO, chính sách siết chặt tiền tệ của Fed là “vị thuốc đắng” nhưng vẫn chưa chữa trị dứt điểm những “cơn đau” của nền kinh tế Mỹ và việc duy trì lãi suất cao như hiện nay là cần thiết.
Về phần mình, chuyên gia dự báo của Thời báo Phố Wall, Jim Bianco nhận định Fed sẽ hạ lãi suất khi lạm phát giảm về quanh ngưỡng 2,6% - 3% và nền kinh tế Mỹ suy yếu đáng kể.
Tuy nhiên, theo ông Bianco, cả hai điều kiện trên đều chưa xảy ra vào thời điểm này và tăng trưởng sẽ ổn định ở mức từ 2,5 - 3%. Theo tính toán của công cụ tài chính CME FedWatch ngày 18/3, khả năng Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 6 tới đã giảm xuống dưới 50%.
Và nếu không có bất ngờ, cuộc họp tháng 3/2024 sẽ là lần thứ năm liên tiếp Fed duy trì lãi suất ở biên độ 5,25-5,5% sau đợt tăng gần nhất hồi tháng 7 năm ngoái./.