Ezra Frech và sứ mệnh xóa bỏ sự kỳ thị đối với người khuyết tật
Vận động viên điền kinh người Mỹ Ezra Frech, sở hữu 2 huy chương Vàng tại Paralympic Paris 2024 bày tỏ mong muốn thay đổi cách nhìn nhận của xã hội, xóa bỏ sự kỳ thị với người khuyết tật.
Khi nhìn vào thành công rực rỡ của vận động viên điền kinh người Mỹ Ezra Frech tại đấu trường Paralympic, ít ai biết rằng đằng sau những tấm huy chương Vàng là một câu chuyện đầy nghị lực và truyền cảm hứng.
Ở tuổi 19, Frech đã sở hữu 2 huy chương Vàng và đang trên hành trình hiện thực hóa ước mơ trở thành một trong những vận động viên Paralympic thành công nhất lịch sử.
Tuy nhiên, điều khiến cậu thực sự nổi bật không chỉ là vì những thành tích thể thao, mà còn là sứ mệnh cao cả: xóa bỏ sự kỳ thị đối với người khuyết tật.
Ezra Frech sinh ra với một chân bị thiếu xương, còn bàn tay trái chỉ có duy nhất một ngón. Cậu đã phải trải qua những thử thách khắc nghiệt từ rất sớm. Khi lên 2 tuổi, em buộc phải cắt cụt chân trái và các bác sĩ đã lấy một ngón từ chân này để ghép vào tay cho Frech.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài CBS KCAL9, Frech chia sẻ: “Khi còn nhỏ, tôi thường cảm thấy rất khó chịu rằng: vì sao mình lại sinh ra như vậy. Nhưng khi trưởng thành, tôi nhận ra rằng mình bẩm sinh như thế và đó là điều không thể thay đổi, vì vậy không có lý do gì để tiếp tục buồn bã.”
Thay vào đó, Frech quyết định “tận dụng tối đa cuộc đời mình, trở thành một vận động viên và một sinh viên giỏi nhất có thể.”
Tại Paralympic Paris 2024, Frech đã xuất sắc giành huy chương Vàng ở môn nhảy cao hạng thương tật T63 - nội dung cậu đang giữ kỷ lục thế giới, chỉ một ngày sau khi bất ngờ giành huy chương Vàng ở cự ly 100m nam.
Không những thế, cậu còn đang cùng gia đình điều hành tổ chức phi lợi nhuận Angel City Sports, mỗi năm tổ chức khoảng 250 khóa huấn luyện thể thao thích nghi cho các vận động viên là người khuyết tật.
Frech cho biết: “Tôi tự hào nhất về việc tôi và gia đình đã thành lập Angel City Sports, vì hoạt động thể thao có thể chỉ kéo dài một khoảng thời gian ngắn, nhưng ảnh hưởng mà điều này mang lại cho cuộc sống của trẻ em và các cựu chiến binh thì kéo dài mãi mãi.”
Frech nhận thức rõ “có rất nhiều rào cản khi người khuyết tật tham gia thể thao” do các thiết bị chuyên dụng thường đắt tiền, trong khi người khuyết tật lại không thể đến chơi thể thao tại các địa điểm công cộng.
Frech mong muốn tận dụng thể thao như một công cụ để thay đổi những định kiến lâu nay về người khuyết tật. Cậu cho biết: “Tôi muốn bình thường hóa sự khuyết tật, thay đổi cách xã hội nhìn nhận về điều này, xóa bỏ sự kỳ thị và gỡ bỏ những đàm tiếu xung quanh cộng đồng này.”
Frech đã trải nghiệm sâu sắc về những tác động tích cực mà thể thao mang lại cho người khuyết tật. Cậu chia sẻ: “Khoảng 15% người Mỹ có một dạng khuyết tật nào đó, nhưng ở bất cứ đâu, bạn vẫn cứ cảm thấy như thể mình là người duy nhất có khiếm khuyết và bị đứng bên lề xã hội. Ở trường, tôi là sinh viên duy nhất chỉ có một chân và tôi thường xuyên bị nhìn chằm chằm, bị chỉ trích và bị đánh giá thấp. Nhưng cuối cùng, thể thao đã trở thành một chiếc phao cứu sinh để tôi thoát khỏi những cảm giác đó và không còn cảm thấy khác biệt."
Cha mẹ của Frech rất vui vì sự chuyển biến tích cực của cậu. Bà Bahar Soomekh - mẹ của Frech - cho biết cậu được đặt tên "Ezra" là có lý do.
Chia sẻ với giới truyền thông, bà Soomekh cho biết: “Tôi phải thừa nhận rằng thật khó khăn, đó đứa con đầu lòng của tôi và tôi chưa bao giờ nghe nói về một đứa trẻ sinh ra bị thiếu chân tay. Đó là một cú sốc rất lớn nhưng tôi tin rằng điều này xảy ra là có lý do nên chúng tôi đặt tên con là Ezra - nghĩa là giúp đỡ, dạy dỗ."
Trả lời phỏng vấn chuyên trang Olympic.com, Frech kể lại rằng việc xem Paralympic Rio 2016 khi còn là một đứa trẻ đã thúc đẩy cậu trở thành một vận động viên, vì cậu tin rằng sự khác biệt có thể được chuyển hóa thành lợi thế. Cậu khẳng định: “Tôi tin rằng thông qua sự đại diện, quảng bá và nhận thức đúng đắn về Thế vận hội Paralympic, trẻ em trên toàn thế giới sẽ không còn bị cha mẹ bỏ rơi, chỉ vì chúng sinh ra khác biệt”./.