EVN xây dựng kịch bản cho từng tháng, đảm bảo cung ứng điện năm 2024

EVN đã chuẩn bị kịch bản cho từng tháng, trong đó tập trung vào các giải pháp quan trọng như hoàn thành công tác sửa chữa tất cả các nhà máy, tích nước hồ thủy điện đặc biệt là thủy điện ở miền Bắc.

Sửa chữa, vận hành lưới điện, đảm bảo sẵn sàng cung ứng điện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 22/12 cho biết tập đoàn đang tập trung cho nhiệm vụ chính trị là phải đảm bảo cung ứng điện, trong đó EVN đang chuẩn bị cho kịch bản tăng trưởng cao.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Công Thương, với GDP tăng 6-6,5%, tốc độ tăng trưởng điện là 9,4-9,8%. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương, EVN đã chuẩn bị kịch bản cho từng tháng, trong đó tập trung vào các giải pháp quan trọng như hoàn thành công tác sửa chữa tất cả các nhà máy, tích nước các hồ thủy điện đặc biệt là thủy điện ở miền Bắc…

Tuy nhiên, EVN hiện chỉ nắm giữ 37,7% tổng công suất đặt hệ thống điện; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm 8% và Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) chiếm 2%, còn lại là của các chủ đầu tư, thành phần kinh tế khác. Do vậy, ông Đặng Hoàng An kiến nghị Bộ Công Thương, trực tiếp là Cục Điều tiết Điện lực, cần bám sát kế hoạch cung ứng điện đã được Bộ trưởng phê duyệt để đôn đốc các chủ nhà máy giữ độ tin cậy tối đa trong vận hành hệ thống.

"Lãnh đạo các địa phương cần thúc đẩy việc tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trở thành thực chất. Đây là giải pháp tăng nguồn cung rẻ, tiết kiệm nhất cho nền kinh tế," ông Đặng Hoàng An đề xuất.

Liên quan tới vấn đề đảm bảo cung ứng điện, tại Chỉ thị số 14/CT-BCT mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam lập phương án vận hành và huy động hợp lý các nguồn điện trong Hệ thống điện Quốc gia để đảm bảo cung cấp điện an toàn tuyệt đối cho các sự kiện chính trị, văn hóa lớn, các dịp nghỉ Lễ, Tết trong năm 2024; đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân trong cả năm 2024, không để thiếu điện trong mọi tình huống.

Bên cạnh đó, EVN chủ động lập phương án vận hành phù hợp các nguồn điện năng lượng tái tạo và các nguồn điện khác trong hệ thống trong các trường hợp thừa nguồn, thiếu nguồn, quá tải lưới điện; đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định và tin cậy; tuyệt đối tuân thủ các quy định hiện hành về vận hành, huy động và điều độ thời gian thực hệ thống điện quốc gia; vận hành an toàn, ổn định và tin cậy hệ thống điện quốc gia, lưới điện truyền tải 500-220kV vùng, miền và lưới điện phân phối trên phạm vi toàn quốc để đảm bảo cung cấp điện.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý EVN chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Sở Công Thương tại địa phương có biện pháp đảm bảo vận hành an toàn hành lang lưới điện; Rà soát, không thực hiện các kế hoạch ngừng, giảm cung cấp điện liên quan đến công tác bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện trong các dịp nghỉ Lễ, Tết trong năm 2024.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý và hiệu quả; đồng thời đẩy mạnh thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện và sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Nhân viên EVN kiểm tra vận hành các thiết bị điện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cũng tại Chỉ thị này, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam xây dựng phương án cung cấp nhiên liệu (than, khí, dầu) đảm bảo đầy đủ, liên tục và ổn định cho nhu cầu phát điện các nhà máy điện; Chỉ đạo, đôn đốc đảm bảo vận hành tin cậy các nhà máy điện do Tập đoàn quản lý để đảm bảo cung cấp điện toàn hệ thống.

Đối với các Đơn vị phát điện, tuyệt đối tuân thủ lệnh điều độ của cấp điều độ có quyền điều khiển; thực hiện chế độ trực ca vận hành và báo cáo tình hình vận hành, sự cố của nhà máy điện theo đúng quy định hiện hành; Thường xuyên kiểm tra, củng cố các thiết bị của các nhà máy điện đảm bảo nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện./.