EU và Mercosur hoàn tất đàm phán FTA sau 25 năm

Phát biểu họp báo tại thủ đô Montevideo của Uruguay, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố, FTA giữa EU và Mercosur là thỏa thuận “đôi bên cùng có lợi”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 6/12, Liên minh châu Âu (EU) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) đã chính thức hoàn tất Hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo ra một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Phát biểu họp báo tại thủ đô Montevideo của Uruguay, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố, FTA giữa EU và Mercosur là thỏa thuận “đôi bên cùng có lợi”.

Theo quan chức này, các doanh nghiệp của cả hai bên sẽ được hưởng lợi từ các biện pháp đơn giản hóa thủ tục hải quan và được tiếp cận ưu đãi đối với một số nguyên liệu thô quan trọng.

Về phần mình, các quốc gia Mercosur ra tuyên bố chung cho biết FTA với EU đã sẵn sàng để xem xét pháp lý và dịch thuật.

Đàm phán FTA giữa Mercosur và EU kéo dài tới 25 năm do một số quốc gia thành viên EU còn quan ngại vấn đề bảo vệ môi trường ở các nước Mercosur. Thỏa thuận được ký kết sẽ tạo ra một thị trường với khoảng 800 triệu dân và thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ đối với hơn 90% hàng hóa EU xuất khẩu sang khối Nam Mỹ.

Thỏa thuận sẽ giúp cho các doanh nghiệp EU tiết kiệm hơn 4,4 tỷ USD mỗi năm tiền thuế hải quan. Ngoài ra, thỏa thuận được trông đợi sẽ tạo điều kiện cho đầu tư của EU vào khối Nam Mỹ, vốn đã đạt khoảng 361,4 tỷ USD.

Mecosur được thành lập chính thức vào năm 1991, bao gồm các thành viên Argentina, Brazil, Uruguay và Paraguay. Khối này hiện có hơn 275 triệu dân và chiếm hơn 82% tổng thu nhập quốc nội (GDP) của lục địa Nam Mỹ.

Thỏa thuận EU-Mercosur, được kỳ vọng sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp và thương mại quốc tế, vẫn cần sự phê duyệt từ tất cả các quốc gia thành viên EU.

Các hiệp hội thương mại và công nghiệp của Đức đã hoan nghênh việc các bên hoàn tất thỏa thuận này. Tuy nhiên, việc phê chuẩn thỏa thuận được cho sẽ là một thử thách lớn khi có sự phản đối của những quốc gia có nền nông nghiệp mạnh như Pháp và Italy./.