EU tranh cãi về việc phân bổ ngân sách chung trong 4 năm tới
Tháng 12 tới, EU sẽ quyết định về việc sửa đổi ngân sách 2021-2027 trị giá 1.100 tỷ euro (1.200 tỷ USD), vốn đã căng thẳng do chi tiêu khẩn cấp trong đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Từ việc tài trợ cho Ukraine đến tăng cường sức mạnh quân sự và quản lý tình trạng di cư, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã chuyển sang các ưu tiên khác nhau vào cuộc họp ngày 26/10, khi họ bắt đầu tranh luận về việc nên đầu tư thêm tiền vào những lĩnh vực nào từ ngân sách chung trong 4 năm tới.
Tháng 12 tới, EU sẽ quyết định về việc sửa đổi ngân sách 2021-2027 trị giá 1.100 tỷ euro (1.200 tỷ USD), vốn đã căng thẳng do chi tiêu khẩn cấp trong đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào năm 2022.
Các nhà lãnh đạo EU đề xuất các quốc gia thành viên đóng góp nhiều hơn vào kho bạc chung để cung cấp 50 tỷ euro cho Ukraine và chi thêm 15 tỷ euro cho vấn đề di cư. Trong khi một đề xuất khác là phân bổ 20 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine.
[Diễn đàn Cửa ngõ Toàn cầu giúp đa dạng hóa các dự án đầu tư của EU]
Các quyết định về ngân sách đòi hỏi sự nhất trí và sự chia rẽ đã được thể hiện tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels diễn ra ngày 26/10.
Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo ủng hộ việc khối này tiếp tục hỗ trợ Ukraine nhưng kêu gọi một cách tiếp cận khác để tài trợ cho các khoản chi tiêu mới.
Ông de Croo nói: “Chúng tôi yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) và các tổ chức khác xem xét quỹ của chính họ và xem xét các quỹ chưa được sử dụng hết... thay vì yêu cầu các quốc gia thành viên đóng góp nhiều hơn.”
Trong khi đó, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho rằng ngoài việc hỗ trợ Ukraine, chi tiêu chung của khối sẽ tăng lên để cải thiện khả năng phòng thủ của EU.
Litva cho rằng 50 tỷ euro cho Ukraine là không đủ. Tân Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết ông sẽ không đồng ý tăng thêm viện trợ quân sự cho Ukraine.
Ở phía Nam châu Âu, Hy Lạp đang kêu gọi cấp thêm tiền cho người di cư khi khối này đang nỗ lực thắt chặt biên giới với bên ngoài và giảm lượng người nhập cư trái phép từ Trung Đông và châu Phi.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết: “Hy Lạp là quốc gia tiếp nhận tị nạn đầu tiên và cần thêm sự hỗ trợ của châu Âu để giải quyết vấn đề nhập cư.”
Điều đó nhanh chóng bị Thủ tướng Hungary Viktor Orban bác bỏ. Ông Orban cho biết Hungary sẽ không hỗ trợ thêm viện trợ cho Ukraine trừ khi họ nhìn thấy "một đề xuất rất chính đáng."
Bình luận của ông Orban được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Hungary đang cố gắng huy động hàng tỷ USD viện trợ dự kiến dành cho nước này trong ngân sách EU nhưng bị EC chặn lại vì lo ngại về luật pháp.
Còn Thủ tướng Ireland Leo Varadkar đã bổ sung các khoản đầu tư cho khả năng cạnh tranh của EU vào danh sách dài các ưu tiên đang nằm trên bàn tranh cãi.
Olaf Scholz, Thủ tướng Đức, nền kinh tế "đầu tàu" của EU, kết luận rằng các cuộc đàm phán chỉ mới bắt đầu một cách nghiêm túc: “Chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn thảo luận đầu, và các quyết định về việc phân bổ ngân sách chung của khổi vẫn chưa được đưa ra"./.