EU gia hạn biện pháp khẩn cấp nhằm hạn chế nhu cầu khí đốt

Bộ trưởng năng lượng các nước Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý gia hạn gói biện pháp trên trong 12 tháng tới, cho đến tháng 3/2024, với mục tiêu tự nguyện cắt giảm 15% nhu cầu khí đốt của khối.

Các bình gas tại một cơ sở ở Savenay, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Reuters, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/3 đã nhất trí gia hạn thêm 1 năm đối với biện pháp khẩn cấp nhằm tự nguyện giảm lượng sử dụng khí đốt, góp phần chuẩn bị cho một mùa Đông khác ở “lục địa già” trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm từ Nga.

Bộ trưởng năng lượng các nước EU đã đồng ý gia hạn gói biện pháp trên trong 12 tháng tới, cho đến tháng 3/2024, với mục tiêu tự nguyện cắt giảm 15% nhu cầu khí đốt của khối.

Theo kế hoạch, biện pháp khẩn cấp mà EU đạt được đồng thuận hồi năm ngoái nhằm đáp trả động thái Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 3.

[EU đề xuất gia hạn 1 năm biện pháp giảm nhu cầu sử dụng khí đốt]

Trong thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 1/2023, các nước EU đã giảm được 19% lượng khí đốt tiêu thụ nhờ một mùa Đông ấm áp bất thường vừa qua.

Giá năng lượng tăng cũng hạn chế hoạt động sản xuất công nghiệp trong khi EU và chính phủ các nước khuyến nghị người tiêu dùng giảm tiêu thụ năng lượng. Điều này đã giúp các kho dự trữ khí đốt của châu Âu cao hơn thường lệ dù sắp kết thúc mùa Đông.

Triển vọng nguồn cung năng lượng cho châu Âu cũng ổn định hơn sau khi châu lục này mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng để nhập khẩu nhiên liệu từ các nguồn cung thay thế.

Mặc dù vậy, châu Âu vẫn có nguy cơ đối mặt với rủi ro như thời tiết lạnh giá hoặc nhu cầu khí đốt của Trung Quốc tăng lên cũng có thể làm giảm nguồn cung sẵn có./.

(Vietnam+)