EU có kế hoạch viện trợ quân sự trị giá khoảng 20 triệu euro cho Kenya
Các đơn vị chiến đấu của Các Lực lượng Phòng vệ Kenya sẽ nhận được thiết bị bay không người lái chiến thuật, máy bay đánh chặn, hệ thống đánh chặn thiết bị nổ, phương tiện tác chiến điện tử...
Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch cung cấp viện trợ quân sự trị giá khoảng 20 triệu euro (21,4 triệu USD) cho Các Lực lượng Phòng vệ Kenya (KDF) nhằm tăng cường bảo vệ biên giới quốc gia.
Thông báo mới đây của Hội đồng châu Âu (EC) cho biết Kenya sẽ lần đầu tiên nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ Quỹ Cơ sở Hòa bình EU, được thành lập năm 2021 để hỗ trợ những sáng kiến an ninh ở các nước đồng minh ở châu Phi.
Thông báo của Hội đồng châu Âu nhấn mạnh: “Biện pháp hỗ trợ cũng sẽ góp phần đảm bảo an ninh cho các khu vực biên giới và chống lại các hoạt động gia tăng của Al Shabaab dọc biên giới với Somalia."
Nguồn tài trợ từ Quỹ Cơ sở Hòa bình EU sẽ được sử dụng để mua thiết bị và tài trợ cho các hoạt động như đào tạo kỹ thuật.
Các đơn vị chiến đấu của KDF cũng sẽ nhận được thiết bị bay không người lái chiến thuật, máy bay đánh chặn, hệ thống đánh chặn thiết bị nổ, phương tiện tác chiến điện tử, phương tiện quân sự chiến thuật xuyên quốc gia và trạm y tế di động.
Khoản tài trợ mới này được thực hiện theo Hiệp ước Đối thoại Chiến lược EU-Kenya vào tháng 6/2021, theo đó hai bên đồng ý tham gia thực hiện song phương các điều khoản thương mại, hợp tác kinh tế và phát triển của Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA) với Cộng đồng Đông Phi.
EU viện trợ an ninh cho Kenya trong bối cảnh quốc gia Đông Phi này đang ứng phó với làn sóng biểu tình bạo lực nhằm phản đối chính sách tăng thuế của chính phủ. Quân đội Kenya đã được triển khai để hỗ trợ cảnh sát ứng phó với tình trạng khẩn cấp an ninh trên khắp nước này. Ít nhất 20 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ.
Các cuộc biểu tình tại Kenya bắt đầu từ ngày 18/6, trước khi lan rộng trên toàn quốc vào ngày 20/6. Những người biểu tình phản đối việc chính phủ dự định thu thêm thuế để giảm thâm hụt ngân sách và giảm nợ.
Chính phủ Kenya đã đưa ra một số nhượng bộ, cam kết bãi bỏ các loại thuế mới được đề xuất đối với bánh mỳ, dầu ăn, ôtô và các giao dịch tài chính. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để xoa dịu những người biểu tình. Ngày 26/6, Tổng thống Kenya William Ruto đã rút lại dự luật này.
Trước diễn biến tại Kenya, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 27/6 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, đồng thời cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Tuyên bố của IMF khẳng định tổ chức này cam kết hỗ trợ Kenya vượt qua khó khăn kinh tế và cải thiện phúc lợi của người dân.
Trước đó, trong cuộc điện đàm ngày 26/6 với Tổng thống Ruto, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington sẵn sàng cung cấp hỗ trợ để Kenya giải quyết các thách thức tài chính. Kenya là đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Phi.
Tháng trước, Tổng thống Ruto đã thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ, trong đó Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh cam kết hỗ trợ Kenya.
Kenya đang phải vật lộn để đối phó với một số vấn đề kinh tế do tác động kéo dài của đại dịch COVID-19, xung đột tại Ukraine, hạn hán 2 năm liên tiếp và đồng nội tệ mất giá./.