EU chưa đạt đồng thuận về việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrel xác nhận việc Ukraine đã nhận được sự cho phép của Mỹ sử dụng vũ khí tầm xa 300km để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

(Tư liệu) Tên lửa được phóng từ Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa của Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/11, ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về tình hình Ukraine, trong đó đặc biệt tập trung vào quyết định mới của Mỹ cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Tại cuộc họp, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrel xác nhận việc Ukraine đã nhận được sự cho phép của Mỹ sử dụng vũ khí tầm xa 300km để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Sau đó, các ngoại trưởng EU đã trao đổi về việc tăng cường hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine nhưng không đạt được lập trường chung về việc dỡ bỏ hạn chế đối với loại vũ khí này. "Mỗi quốc gia trong EU đều có những quyết định riêng và chưa đạt đồng thuận về vấn đề này,” ông Borrell cho biết.

Trong một tuyên bố cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tái khẳng định lập trường của Berlin về việc không cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho rằng việc Mỹ chấp thuận cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do chính Mỹ cung cấp là bước đi “vô cùng nguy hiểm,” có thể làm leo thang xung đột.

Thủ tướng Slovakia, Robert Fico, cũng bày tỏ không đồng tình với việc Ukraine được sử dụng tên lửa tầm xa tấn công lãnh thổ Nga, coi đây là “sự leo thang căng thẳng chưa từng có.”

Trước đó một ngày, truyền thông phương Tây đồng loạt đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã “bật đèn xanh” cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Washington cung cấp để tấn công sâu vào trong lãnh thổ Nga.

Quyết định này, nếu được chính quyền Mỹ xác nhận, sẽ đánh dấu bước thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Biden.

Trước thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu rõ quan điểm của Moskva trong vấn đề này.

Cụ thể là hồi tháng 9 vừa qua, Tổng thống Putin đã nói rằng nếu các nước phương Tây đồng ý cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do các nước này viện trợ để tấn công sâu vào trong lãnh thổ Nga, điều đó sẽ đồng nghĩa với việc Mỹ và các nước trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) can dự trực tiếp vào cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Trong trường hợp đó, Nga sẽ phải tiến hành các bước mà Tổng thống Putin gọi là "những quyết định tương xứng" để ứng phó với những mối đe dọa mới./.