Ethiopia khởi động sản xuất điện từ tuabin thứ 2 tại con đập GERD
Bất chấp sự phản đối của các quốc gia hạ nguồn là Ai Cập và Sudan, hai tuabin - trong tổng số 13 tuabin tại con đập thủy điện Đại phục hưng, sẽ tạo ra 750 megawatt điện.
Ngày 11/8, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã khởi động hoạt động sản xuất điện từ tuabin thứ 2 tại Đập thủy điện Đại phục hưng (GERD) trên sông Nile Xanh, bất chấp việc Ai Cập và Sudan tiếp tục phản đối dự án này.
Thủ tướng Ahmed xác nhận rằng nước này đang thực hiện đợt tích nước thứ 3 cho hồ chứa GERD trị giá hàng tỷ USD, động thái khiến Ai Cập phản đối tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hồi tháng trước.
Ông nêu rõ: “Ethiopia đã nhiều lần thông báo cho các nước ở hạ nguồn, đặc biệt là Ai Cập và Sudan, rằng bằng cách tạo ra điện, chúng tôi đang phát triển nền kinh tế của mình, cũng như (nguyện vọng của chúng tôi) chứng kiến người dân sống trong bóng tối được nhìn thấy ánh sáng". Theo ông, việc này không nhằm mục đích khác và gây hại cho những quốc gia đó.
Ethiopia bắt đầu sản xuất điện lần đầu tiên từ GERD hồi tháng 2 năm nay, bất chấp sự phản đối của các quốc gia hạ nguồn là Ai Cập và Sudan.
Hiện tại, hai tuabin, trong tổng số 13 tuabin tại con đập, sẽ tạo ra 750 megawatt điện. Với tổng kinh phí xây dựng 4,2 tỷ USD, GERD dự kiến sẽ sản xuất hơn 5.000 MW điện sau khi được hoàn thành và vận hạnh đầy đủ.
[Ai Cập phản đối hành động đơn phương của Ethiopia lên Hội đồng Bảo an]
Hồi tháng 7 vừa qua, Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết nước này đã đệ đơn lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm phản đối việc Ethiopia tiếp tục triển khai kế hoạch tích nước cho hồ chứa của GERD mà không có sự nhất trí của các quốc gia hạ nguồn.
Bộ Ngoại giao Ai Cập nói rõ nước này kiên quyết bảo vệ "quyền hợp pháp của mình trong việc thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo và bảo vệ an ninh quốc gia, bao gồm chống lại mọi rủi ro mà các biện pháp đơn phương của Ethiopia có thể gây ra trong tương lai".
GERD được khởi công xây dựng trên sông Nile Xanh từ năm 2011 và là đập thủy điện lớn nhất ở châu Phi. Tuy nhiên, công trình này đã nhanh chóng trở thành tâm gây căng thẳng giữa Ethiopia với Ai Cập và Sudan. Ethiopia coi GERD là giải pháp then chốt cho quá trình điện khí hóa và sự phát triển của quốc gia đông dân thứ hai châu Phi này.
Trong khi đó, Ai Cập và Sudan lại lo ngại GERD có thể đe dọa quyền tiếp cận nguồn nước sông Nile quan trọng của họ và đã yêu cầu ký kết một thỏa thuận ràng buộc pháp lý 3 bên về việc tích nước, cũng như vận hành con đập./.