ECPAD - Nơi lưu giữ ký ức của người Pháp về Điện Biên Phủ

Với tựa đề "Chiến dịch Điện Biên Phủ - từ 13/3 đến 7/5/1954", cuốn sách ảnh dày 211 trang đã được ECPAD cho ra mắt hồi đầu tháng 3/2024 nhằm kỷ niệm 70 năm sự kiện lịch sử chấn động địa cầu này.

Một số hình ảnh trong cuốn sách ảnh "Chiến dịch Điện Biên Phủ - từ 13/3 đến 7/5/1954". (Ảnh: Nguyễn Tuyên/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến dịch Điện Biên Phủ, Cơ quan Truyền thông và Sản xuất Nghe nhìn Bộ Quốc phòng Pháp (ECPAD), nơi lưu giữ nhiều tư liệu về hình và ảnh liên quan đến chiến tranh Đông Dương, đã cho ra mắt cuốn sách ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có nhiều bức ảnh lần đầu được công bố về trận chiến lịch sử này.

Bên cạnh đó ECPAD cũng tham gia sản xuất phim tài liệu về chiến tranh Đông Dương và giới thiệu tới công chúng trang web về những bức ảnh tư liệu liên quan đến chiến dịch này.

Thế giới từng biết đến chiến dịch Điện Biên Phủ qua ghi chép của các nhà sử học hoặc hồi ký của các nhân chứng đã từng tham chiến tại đó, nhưng cũng có những cách khác để kể về chiến dịch này thông qua sức mạnh của hình ảnh.

Với tựa đề "Chiến dịch Điện Biên Phủ - từ 13/3 đến 7/5/1954", cuốn sách ảnh dày 211 trang đã được ECPAD cho ra mắt hồi đầu tháng 3/2024 nhằm kỷ niệm 70 năm sự kiện lịch sử chấn động địa cầu này.

Theo bà Marina Berthier, nhân viên của ECPAD, một trong những biên tập viên tham gia xuất bản cuốn sách, bộ sưu tập với 162 bức ảnh đã kể lại tình hình chiến sự, từ ngày đầu chiến dịch, ngày 13/3/1954, đến khi kết thúc ngày 7/5/1954, trong đó nhiều bức mới được công bố lần đầu tiên sau hàng chục năm nằm trong kho lưu trữ của quân đội Pháp.

Đây là những bức ảnh rất đặc trưng, phần lớn do các phóng viên ảnh chiến trường như Jean Péraud et Daniel Camus thực hiện hoặc do những người lính tự chụp tại mặt trận.

Ngoài những bức ảnh đen trắng chiếm đa số, cuốn sách cũng đăng một số ảnh màu do các tổ chức, cá nhân tặng lại ECPAD. Các bức ảnh không chỉ phản ánh hoạt động quân sự, mà còn đề cập đến những khía cạnh rất đời thường của những người lính Pháp và cả người bản xứ.

Nhân dịp này, ECPAD cũng mở trang web ImagesDéfense - Diên Biên Phu (1954) - Guerre d'Indochine (1945-1956) - 1945-1962 - Chronologie (imagesdefense.gouv.fr) để công chúng có thể truy cập và xem các hình ảnh liên quan đến chiến dịch.

Bên cạnh đó, ECPAD còn tham gia sản xuất 2 cuốn phim tài liệu có tên "Những bóng ma Bắc Kỳ" của Patrick Jeudy (hãng Temps Noir) kể về sứ mệnh năm 1955 của Đại úy Belmont phụ trách tìm kiếm dấu vết và mộ của những người lính đã hy sinh trong trận chiến; và phim "Những cuộc chiến của họ tại Đông Dương " của Jean Pierre Bertin Maghit (hãng La chambre aux fresques), một bộ phim tài liệu dựa trên những bức thư và nhật ký của những người lính từng tham chiến tại Đông Dương và nhìn lại hành trình của ba người lính¸ đặc biệt là ở Điện Biên Phủ.

102.000 bức ảnh và 700 tựa phim về chiến tranh Đông Dương
Là một trong số những trung tâm thông tin tư liệu lớn của Pháp, ECPAD cũng là cơ sở lưu giữ nhiều nhất những tư liệu về hình và ảnh liên quan đến Đông Dương trong đó có Điện Biên Phủ.

Bà Marina Berthier cho biết trong kho tư liệu về Đông Dương, có rất nhiều thông tin về chiến dịch Điện Biên Phủ. Riêng về chiến dịch này, số lượng ảnh ECPAD lưu giữ lên đến 2.500 bức ảnh do các phóng viên quân đội chụp tại mặt trận và một số phim do điện ảnh quân đội thực hiện từ 13/3 đến 7/5/1954.

Từ cảnh các binh lính củng cố tụ điểm đóng quân, xây dựng thành lũy, đắp hầm, đào hào, tiếp nhận quân binh, vũ khí, đạn dược và hậu cần… đến các bức ảnh phản ánh những cuộc tấn công đầu tiên, cảnh binh lính Pháp kinh hoàng khi bị nã pháo, cảnh hỗn loạn với những binh lính bị thương, bị chết, cảnh tượng những chiến trường tan hoang… phần lớn đều được các phóng viên ảnh quân đội như Raymond Martinoff, Jean Péraud et Daniel Camus, cùng hai quay phim André Lebon và Pierre Schoendoerffer ghi lại.

"Tuy nhiên các tư liệu mà chúng tôi có được chỉ là giai đoạn bắt đầu của chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là những hình ảnh và thước phim do các phóng viên chiến trường gửi về trước ngày 27/3," bà Marina Berthier kể lại.

Sau thời điểm này, quy mô của cuộc chiến đã lan rộng, bãi đỗ sân bay Điện Biên Phủ không thể sử dụng được do chiến sự ác liệt, các phóng viên không thể gửi được các thước phim quay hoặc chụp về Hà Nội bằng đường hàng không, bản thân họ cũng bị kẹt lại ở chiến trường.

"Cho đến khi kết thúc chiến dịch, những phóng viên này, người chết, người bị thương, người bị bắt làm tù binh, họ buộc phải tiêu hủy hết máy móc và tài liệu, do đó rất tiếc là những ngày sau của chiến dịch không còn chút tư liệu nào," bà Marina Berthier giải thích.

Ngoài Điện Biên Phủ, ECPAD còn lưu giữ một số lượng phong phú về hình ảnh và phim tài liệu điện ảnh liên quan đến Chiến tranh Đông Dương (1945-1954), với 102.000 bức ảnh và khoảng 700 tựa phim, được thực hiện bởi cơ quan thông tin quân đội có mặt ở khu vực này từ năm 1945, nhằm tuyên truyền, kiểm soát, duy trì tinh thần quân đội và phổ biến thông tin cho binh lính và công chúng ở nước Pháp thông qua báo chí, tin tức điện ảnh.

Các nhiếp ảnh gia và quay phim đều làm việc cho Vụ Thông tin Báo chí (SPI), nơi chịu trách nhiệm sản xuất và phát hành những hình ảnh và thước phim tài liệu trên.

Bà Marina Berthier cho rằng tư liệu của ECPAD liên quan đến Đông Dương nói chung và Điện Biên Phủ nói riêng là những kho tư liệu bổ ích cho các nhà sử học, nghiên cứu sinh, sinh viên… muốn tìm hiểu về các cuộc chiến này.

Ngoài ý nghĩa lịch sử, bộ ảnh còn giúp người xem hiểu thêm đời sống tại địa phương, cuộc sống của những người lính Pháp và cả những người Việt Nam tham gia chiến dịch này.

ECPAD có nhiệm vụ bảo tồn nguồn tài liệu lưu trữ chuyên về hình ảnh và nghe nhìn liên quan đến tất cả các cuộc xung đột đương đại mà quân đội Pháp tham gia kể từ năm 1915.

Cơ quan này hiện đang lưu giữ và bảo tồn khoảng 15 triệu bức ảnh và 94.000 giờ phim. Kho tư liệu phong phú này liên tục được bổ sung nhờ đóng góp của các phóng viên quân đội, các cơ quan quốc phòng và các tổ chức, cá nhân.

Không chỉ phục vụ quốc phòng, ECPAD còn là một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, luôn chú trọng phát huy giá trị kho di sản lưu trữ của mình thông qua đồng sản xuất phim, xuất bản sách, tổ chức các cuộc triển lãm, lễ hội...

Cơ sở này cũng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu cho các trường học, học sinh và giáo viên, đồng thời là trung tâm đào tạo các nhà nhiếp ảnh, quay phim quân đội và dân sự./.