Đường lớn đã mở, Đông Nam Bộ vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới
Các tỉnh, thành phố ở Đông Nam Bộ đang nỗ lực tháo gỡ những "điểm nghẽn" về kết nối vùng, đẩy mạnh triển khai các công trình hạ tầng trọng điểm, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Tại đầu cầu Thành An - điểm nối quan trọng của dự án đường Hồ Chí Minh qua Bình Dương, dưới ánh chiều vàng nhạt, những công nhân trong bộ đồng phục phản quang vẫn miệt mài làm việc.
Anh Lê Đăng Hiệp, 38 tuổi, chia sẻ: "Tôi tự hào góp sức xây dựng con đường huyền thoại này. Dự án làm cầu nối hai bờ sông Sài Gòn là nhiệm vụ chung, mang đến cơ hội phát triển tương lai cho người dân cả vùng. Ai cũng hiểu rằng, mỗi bước tiến của công trình là một bước đưa cuộc sống người dân khu vực lên tầm cao mới. Nghĩ về ý nghĩa ấy, tôi càng thêm vững tâm."
Trong không khí giao mùa cuối năm, Đông Nam Bộ bắt đầu bước vào mùa khô, công trường tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, không một phút nghỉ ngơi.
Tiếng xe ủi, máy móc vang vọng cả một góc trời... Dưới ánh đèn pha, những công nhân lái xe lu miệt mài vào ca 3, tạo nên một bức tranh sống động đầy quyết tâm.
Trên tinh thần thi đua đưa công trình về đích sớm, chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chào mừng Đại hội các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, ông Nguyễn Công Thuần, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án Chơn Thành (Bình Phước)-Đức Hòa (Long An) thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, chia sẻ: "Ngay sau khi kết thúc mùa mưa, chúng tôi đã nhận lệnh của Bộ Giao thông Vận tải và Tập đoàn tăng tốc cả ngày lẫn đêm, không quản vất vả làm việc cả ca 3. Mỗi mét đường không chỉ mang ý nghĩa kết nối giao thông mà còn là niềm hy vọng của hàng triệu người dân vùng Đông Nam Bộ để bước vào kỷ nguyên mới. Dự án đang tiến triển ấn tượng, quyết tâm thông xe kỹ thuật vào ngày 30/4/2025, về đích trước 6 tháng."
Đông Nam Bộ đang vươn mình
Cùng lúc, tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) tại Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị khởi hành vào ngày 22/12/2024 khiến nhiều người dân đang háo hức.
Ở gần nhà ga Suối Tiên, ông Vũ Hòa Bình, người dân quận 9, hào hứng nói: "Trước đây, tôi mất gần hai tiếng để vào trung tâm thành phố. Giờ dự kiến 20 phút vào đến trung tâm. Những công trình như metro, vành đai 3, 4 hay Sân bay Long Thành không chỉ là giao thông hạ tầng mà còn là biểu tượng của sự chuyển mình mạnh mẽ, định hình diện mạo mới cho vùng đất đỏ miền Đông."
Trên công trường thi công nút giao nối cầu Bình Gởi - cây cầu chiến lược nối Bình Dương với Thành phố Hồ Chí Minh qua sông Sài Gòn, tiếng máy móc không ngơi nghỉ dưới cái nắng tháng 12.
Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc điều hành dự án gói thầu xây lắp 3, chia sẻ: "Chúng tôi đang chạy đua với 500 ngày đêm, vượt qua thách thức về địa chất yếu ven sông để hoàn thành đúng tiến độ." Những con đường, những cây cầu, những tuyến metro - tất cả đang góp phần đưa Đông Nam Bộ bước vào một kỷ nguyên mới, không chỉ thay đổi diện mạo giao thông mà còn đánh dấu sự vươn mình của cả vùng trong hành trình phát triển chung của đất nước.
Ông Trần Văn Pha, Giám đốc Khối Xây lắp giao thông và Hạ tầng kỹ thuật, kiêm Giám đốc Ban điều hành Dự án XL3 (thuộc Tổng Công ty Xây dựng số 1), cho biết: "Chúng tôi huy động gần 200 nhân công, làm việc ngày đêm tại công trường thể hiện quyết tâm cao nhất."
Vị giám đốc công trường khẳng định dự kiến năm nay lao động làm việc xuyên Tết để đưa Vành đai 3 thông tuyến sớm nhất theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.
Nhịp cầu tiến vào kỷ nguyên mới
Tại buổi kiểm tra tiến đô thị công dự án đường Vành đai 3 ngày 4/12, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh chúng ta cần nhận thức rõ ràng đây là dự án giao thông mang tầm quốc gia. Dù khó khăn đến mấy cứ bàn làm, không bàn lùi.
"Đây là công trình làm nhịp cầu đưa Đông Nam Bộ tiến vào kỷ nguyên mới," Bí thư Tinh ủy Bình Dương chỉ rõ.
Ông Nguyễn Văn Lợi cho rằng khi tuyến đường hoàn thành, các trung tâm kinh tế lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Sân bay Long Thành và các cảng biển sẽ được kết nối nhanh chóng với Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai...
Hạ tầng này không chỉ rút ngắn thời gian lưu thông mà còn mở ra cơ hội lớn trong việc vận chuyển nhân lực, hàng hóa và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước tăng cường hợp tác. Đây chính là yếu tố nền tảng giúp khu vực nâng cao sức cạnh tranh và khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước trong bối cảnh hội nhập và phát triển.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Dĩ An, ông Võ Văn Hồng, chia sẻ: "Chúng tôi đã nỗ lực hết sức giải tỏa đền bù, để đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, bởi đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm kỳ vọng lớn lao cho sự phát triển của địa phương."
Thành phố Dĩ An, cửa ngõ quan trọng của Bình Dương và điểm kết nối vùng Đông Nam Bộ, hiện đang sôi động như một đại công trường với các dự án thành phần giao thông trọng điểm thuộc Vành đai 3. Những dự án này không chỉ cải thiện hạ tầng đô thị mà còn mở ra cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và tăng cường giao thương hàng hóa.
Đây là động lực phát triển không chỉ riêng cho Dĩ An mà còn lan tỏa mạnh mẽ đến toàn tỉnh Bình Dương và khu vực Đông Nam Bộ. Thành công của dự án không thể thiếu sự đồng thuận của người dân, những người sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để nhường đất cho công trình.
Ông Nguyễn Thành Công, cư dân khu phố Thạnh Lợi (thành phố Thuận An, Bình Dương), vừa xây căn biệt thự mới sau nhiều năm tích cóp nhưng đã đồng ý việc thu hồi hơn 700m2 đất cho dự án Vành đai 3. Ông Công chia sẻ đây là dự án quốc gia nên sẵn sàng chia sẻ, hợp tác để dự án triển khai nhanh chóng cũng là góp phần xây dựng đất nước.
"Chúng tôi dự kiến đến tháng 12/2025 sẽ hoàn thành 80% khối lượng công trình, trong đó tuyến chính cao tốc cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, tiến độ dự án vẫn đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là việc bàn giao mặt bằng không đồng bộ và tình trạng khan hiếm vật liệu như cát đắp nền đang thiếu số lượng lớn," ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương, chia sẻ.
Ông Việt thông tin thêm chiều dài dự án đường Vành đai 3 Đông Nam Bộ dài 76,34km, đi qua Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Đoạn qua Bình Dương dài 26,6km, gồm 4 gói thầu lớn; hiện tại đạt 83,2% bàn giao mặt bằng để thi công.
Tại công trường thi công cầu vượt Vành đai 3 qua Đại lộ Bình Dương, kỹ sư Nguyễn Văn Cừ, thuộc đội thi công tại gói thầu XL3, tự hào nói: "Mỗi mét cầu, mét đường hoàn thành là một bước tiến giúp Bình Dương và Đông Nam Bộ đổi thay. Chúng tôi luôn cố gắng hết mình dù điều kiện thời tiết có thời điểm không thuận lợi."
Không chỉ Vành đai 3, dự án Sân bay Long Thành - biểu tượng phát triển của Đông Nam Bộ - cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.
Ông Dương Quang Điện, Phó Giám đốc Thường trực Ban Quản lý dự án, khẳng định: "Đến năm 2026, máy bay dự kiến sẽ cất cánh, đưa Long Thành trở thành trung tâm kết nối không chỉ trong nước mà còn quốc tế."
Dự án Sân bay Long Thành, với diện tích 5.000ha tại xã Bình Sơn, tỉnh Đồng Nai, do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư. Hiện tại, giai đoạn 1 (diện tích 1.810ha) đang triển khai 4 gói thầu lớn với sự tham gia của 9.000 nhân lực. Các hạng mục chính dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2025-2026, sẵn sàng cho chuyến bay đầu tiên vào năm 2026.
500 ngày đêm thi đua không chỉ là khẩu hiệu mà là quyết tâm thực hiện giấc mơ chung. Giấc mơ mà ông Công, ông Pha, Bí thư Nguyễn Văn Lợi (Bình Dương) và hàng nghìn người lao động ngày đêm trên các công trường đang vun đắp từng ngày, từng giờ./.
Đón đọc bài 2: Tháo "điểm nghẽn" để bứt phá