Đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Buôn Ma Thuột vẫn "ì ạch" giải phóng mặt bằng

Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột là công trình trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk nhưng vẫn đang “ì ạch” giải phóng mặt bằng, thậm chí đội vốn gần 332 tỷ đồng.

Dự án kéo dài, đoạn đầu tuyến chưa được thi công, mặt đường xuất hiện nhiều “ổ voi” nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, nhất là trong mùa mưa. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột (dự án) là công trình trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk với quyết tâm chính trị cao trong triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án luôn trong tình trạng “ì ạch” giải phóng mặt bằng, thậm chí đội vốn gần 332 tỷ đồng (chủ yếu phục vụ giải phóng mặt bằng).

Đến nay, thời hạn hoàn thành cơ bản của dự án sắp đến nhưng công tác giải phóng mặt bằng, thi công dự án vẫn ngổn ngang nhiều khó khăn.

Mòn mỏi chờ dự án về đích

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư, khởi công năm 2020 và hoàn thành năm 2023.

Tuy nhiên, do dự án bị chậm tiến độ, đội vốn nên đến tháng 11/2023, Bộ Giao thông Vận tải quyết định điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư lên 1.841,095 tỷ đồng, tăng gần 332 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020, cơ bản hoàn thành trong năm 2024, hoàn thành thủ tục đưa vào khai thác năm 2025.

Dự án có tổng chiều dài tuyến 39,606km do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban A) làm chủ đầu tư đi qua địa bàn các huyện Cư M’Gar, Cư Kuin, Krông Pắc và thành phố Buôn Ma Thuột.

Một trong những khó khăn kéo dài của dự án là công tác giải phóng mặt bằng; trong đó, đoạn đầu tuyến trên địa bàn xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar đang trở thành “nút thắt” của dự án và gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân.

Bà Dương Thị Hồng Điệp, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, có nhà ngay mặt đường đoạn đầu tuyến bức xúc cho biết Dự án được khởi công đến nay đã gần 4 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng khiến người dân sinh sống gần tuyến đường vô cùng vất vả.

Đoạn đường đã được nhà thầu gạt nền đường, lắp đặt một số cống thoát nước nhưng sau thời gian dài không thi công cộng thêm nhiều xe tải trọng nặng đã cày nát tuyến đường, mùa mưa thì lầy lội, mùa khô thì bụi bay mù mịt làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Trên địa bàn huyện Cư M’gar còn khoảng 1 km chưa thi công, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

“Đặc biệt, ngay trước căn nhà của tôi, nhà thầu thi công lắp đặt hệ thống cống thoát nước sâu khoảng hơn 1m nhưng không có biện pháp che chắn, cảnh báo nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người trong gia đình và người dân. Vừa qua, khi có trường hợp trẻ nhỏ bị ngã xuống cống, gia đình phải tự tìm biện pháp che chắn tạm thời. Người dân mong mỏi chính quyền các cấp, chủ đầu tư… sớm giải phóng mặt bằng, thi công dự án để thoát cảnh mòn mỏi chờ dự án về đích,” bà Dương Thị Hồng Điệp cho hay.

Theo phản ánh của người dân sinh sống ở đoạn đầu tuyến, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, sau nhiều năm khởi công mà không thi công đoạn đường đã trở thành “thách thức” đối với nhiều “tay lái” khi lưu thông. Nhiều “ổ voi” xuất hiện, mùa mưa lại “biến thành ao nước” nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Đáng nói, thời gian qua có nhiều trường hợp học sinh, những người không quen đường bị tai nạn, nhất là vào thời điểm mùa mưa đường trơn trượt.

Vẫn “ì ạch” giải phóng mặt bằng

Theo báo cáo của Ban A, dự án đi qua địa bàn huyện Cư M’gar dài 5,9 km, tính đến ngày 31/5, đã bàn giao mặt bằng được 4,9km, còn lại chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trong đó, có 13 hộ tái định cư chưa lập phương án do chưa xác định được phần diện tích đất thu hồi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chưa; đối với 31 hộ còn lại, đã tổ chức công khai phương án bồi thường, hỗ trợ của 17/31 hộ, các hộ khác chưa lập phương án do chưa xác định được phần diện tích đất thu hồi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chưa và đang phối hợp với các đơn vị xác định, đánh giá tài sản, vật kiến trúc đối với phần nằm ngoài ranh thu hồi.

Ông Nguyễn Xuân Diện, Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Cư M’gar cho biết hiện công tác giải phóng mặt bằng đoạn đường còn lại trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn như về quy hoạch sử dụng đất hiện còn hệ thống mương thoát nước của dự án tại 3 vị trí có diện tích khoảng 1,1ha chưa có trong quy hoạch sử dụng đất nên bắt buộc phải làm thủ tục cập nhập, bổ sung quy hoạch sử dụng đất của huyện đến năm 2030.

Về kế hoạch sử dụng đất, hiện có khoảng 0,7ha phải thực hiện thu hồi giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, trước đây chủ đầu tư chưa đăng ký trong nghị quyết Hội đồng Nhân dân tỉnh và chưa có trong kế hoạch sử dụng đất huyện nên phải làm các thủ tục bổ sung theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, do công tác đầu tư cơ sở hạ tầng của khu tái định cư chưa triển khai thực hiện được, dẫn đến công tác xác định giá đất tái định cư cũng chưa thực hiện được nên ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng đối với 13 hộ tái định cư.

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Cư M’gar, xác định dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột là công trình trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk nên Ủy ban Nhân dân huyện đã và đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tập trung thời gian, nguồn lực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Đặc biệt giải quyết các vướng mắc, hoàn chỉnh hồ sơ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nhất là khẩn trương thi công cơ sở hạ tầng khu tái định cư.

Không chỉ đoạn đầu tuyến dự án gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng mà đoạn cuối tuyến của dự án đi qua thành phố Buôn Ma Thuột cũng khó khăn tương tự khiến công tác giải phóng mặt bằng “ì ạch” trong suốt thời gian qua.

Theo Báo cáo số 262/BC-UBND ngày 7/6/2024 của Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng: Dự án qua địa bàn thành phố hơn 14km, đến nay đã giải phóng mặt bằng 11,75km và còn 101 hộ gia đình, cá nhân chưa phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đáng nói, quá trình triển khai công tác bồi thường, Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột nhận thấy cơ quan được giao nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc Ban A chưa thật sự chủ động, chặt chẽ, thống nhất trong công tác phối hợp, tham mưu xây dựng, phê duyệt phương án và bàn giao mặt bằng.

Đặc biệt, đối với việc xây dựng các phương án bồi thường, hỗ trợ do Ban A lập trong thời gian qua còn nhiều sai sót, chưa áp dụng đúng và đủ các quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, phải điều chỉnh, bổ sung nhiều dẫn đến chất lượng các phương án khi trình thẩm định còn thấp, còn sai sót trong quá trình triển khai các trình tự, thủ tục theo quy định.

Công tác giải phóng mặt bằng đoạn đầu tuyến đi qua xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. (Ảnh: Tuấn Anh/ TTXVN)

Đơn cử, từ năm 2023 đến nay, việc đề xuất xây dựng giá đất của Ban A có nhiều sai sót, dẫn đến việc phải điều chỉnh, làm chậm tiến độ xác định giá đất và làm chậm tiến độ dự án.

Báo cáo cũng nêu rõ đối với việc xác minh điều kiện để làm căn cứ hỗ trợ chế độ chính sách của hộ gia đình, cá nhân, việc áp dụng các chính sách bồi thường, hỗ trợ chưa đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật như áp dụng căn cứ để bồi thường về đất chưa đúng nên có trường hợp không đủ điều kiện bồi thường về đất nhưng vẫn lập phương án bồi thường; xác minh chưa đầy đủ thông tin dẫn đến việc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ chưa đúng theo quy định...

Việc tháo gỡ, xử lý các vấn đề vướng mắc, khó khăn mặc dù đã được hướng dẫn nhưng thực hiện rất chậm.

Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Ban A phải thực sự chủ động, tập trung nhân lực, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác tham mưu xây dựng phê duyệt phương án và bàn giao mặt bằng.

Đối với các phương án bồi, thường hỗ trợ đã được Hội đồng thẩm định có ý kiến đề nghị Ban A sớm hoàn thiện chuyển về Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố để kiểm tra, tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt. Đối với các trường hợp đã được phê duyệt giá đất, khẩn trương phối hợp với Ủy ban Nhân dân các xã và các đơn vị thực hiện lập phương án bồi thường. Đối với các trường hợp chưa có giá đất, đề nghị Ban A tiến hành xác minh điều kiện bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản gắn liền với đất và dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ chuyển Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định trước.

Theo chủ đầu tư dự án, tính đến 31/5, sản lượng thực hiện dự án mới đạt 56,49%, công tác thi công cũng gặp nhiều khó khăn khi phạm vi mặt bằng bị ngắt quãng.

Có thể thấy, dự án được khởi công từ năm 2020 và phải điều chỉnh tăng vốn, giãn tiến độ nhưng đến nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn “ì ạch,” trong khi đó chỉ còn chưa đầy 6 tháng để hoàn thành cơ bản dự án theo kế hoạch.

Đáng lưu ý, đây là dự án được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk lựa chọn làm một trong những công trình tiêu biểu để chào mừng Kỷ niệm 120 ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904-22/11/2024).

Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cuộc họp, văn bản chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư, chính quyền các địa phương… quyết liệt giải quyết các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ dự án, tuy nhiên với tình hình hiện tại thì dự án có nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ và khó về đích đúng kế hoạch đề ra./.