Đức tài trợ Việt Nam lập phòng thí nghiệm phát hiện sớm các đại dịch

Phòng thí nghiệm đặt tại Đại học Việt-Đức có trị giá khoảng 500.000 euro do Đức tài trợ, sẽ là phòng thí nghiệm phát hiện sớm đại dịch đầu tiên ở Đông Nam Á, góp phần hiệu quả phát hiện sớm đại dịch.

(Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN)

Trong 2 năm qua, thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và chỉ trong thời gian ngắn, vaccine phòng dịch đã được phát triển, nhiều biện pháp phát hiện sớm được nghiên cứu.

Một trong những biện pháp hiệu quả phát hiện sớm đại dịch thông qua nghiên cứu nước thải sinh hoạt đã được Giáo sư-Tiến sỹ Susanne Lackner thuộc Đại học Kỹ thuật Darmstadt (TU Darmstadt) nghiên cứu và phát triển.

Phòng thí nghiệm ở TU Darmstadt này cũng là một trong những phòng thí nghiệm hàng đầu phát hiện SARS-CoV-2 bằng cách giải trình tự bộ gene và hoạt động như một phòng thí nghiệm tham chiếu của Liên minh châu Âu (EU).

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, thông qua sự hỗ trợ và kết nối của Tổ chức Hỗ trợ Đại học thế giới Đức (WGU), hiện công nghệ và thiết bị thí nghiệm nêu trên đang được Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines chuyển miễn phí về Thành phố Hồ Chí Minh để bàn giao cho Đại học Việt-Đức (VGU) nhằm thiết lập một phòng thí nghiệm vi sinh môi trường, trong đó có chức năng xét nghiệm mẫu nước thải để tìm kiếm virus gây đại dịch.

Phòng thí nghiệm tại VGU có trị giá khoảng 500.000 euro này được Bộ Kinh tế bang Hessen cùng Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển liên bang Đức tài trợ, sẽ là phòng thí nghiệm phát hiện sớm đại dịch đầu tiên ở Đông Nam Á và sẽ góp phần hiệu quả vào việc phát hiện sớm đại dịch.

Việc phân tích nước thải có ưu điểm là đi trước dữ liệu đại dịch chính thức và không phụ thuộc vào số lượng xét nghiệm PCR đã thực hiện, bởi trong khi còn ít người đi làm xét nghiệm thì họ vẫn phải có các hoạt động sinh hoạt cá nhân hằng ngày và xả thải vào hệ thống chung.

Trong khi đó, virus SARS-CoV-2, cũng như các loại virus khác, thường kết thúc hành trình của chúng ở nước thải. Người mắc COVID-19 cũng bài tiết virus thông qua nước thải sinh hoạt hoặc chất thải.

Theo rất nhiều kết quả nghiên cứu, virus có thể được phát hiện trong nước thải sớm hơn tới 14 ngày bằng cách đánh giá các xét nghiệm. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong cuộc chiến chống lại các đại dịch, chẳng hạn các nhà nghiên cứu có thể khoanh vùng một điểm nóng dịch bệnh ở một con phố nào đó.

Chương trình này sẽ được Giáo sư Lackner cùng Giáo sư-Tiến sỹ Martin Wagner thuộc Đại học TU Darmstadt hợp tác với VGU hỗ trợ triển khai.  Giáo sư Wagner cũng là người chịu trách nhiệm triển khai chương trình đào tạo thạc sỹ ngành "Công nghệ, Tái sử dụng và Quản lý nước" mà VGU triển khai từ năm 2020 với sự hợp tác của TU Darmstadt.

Lĩnh vực nghiên cứu là xử lý nước và nước thải ở các khu vực có cơ sở hạ tầng yếu kém, tiến hành nghiên cứu với sự hợp tác chặt chẽ của các giảng viên TU Darmstadt nhằm tìm giải pháp giúp người dân tiếp cận với nước sạch.

Tiến sỹ Kambiz Ghawami, Chủ tịch WUS, cho rằng cả hai hợp tác trên là những ví dụ điển hình cho thấy mối quan hệ hữu nghị, sâu sắc và chặt chẽ giữa bang Hessen và Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự hợp tác trong nghiên cứu và giảng dạy theo các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG).

Nhân dịp này, Tiến sỹ Ghawami cũng gửi lời cảm ơn đối với Vietnam Airlines, đối tác từ nhiều năm nay đã hỗ trợ vận chuyển trang thiết bị nhằm cải thiện điều kiện nghiên cứu cũng như hỗ trợ cung cấp nước sạch ở Việt Nam./.

Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)