Đức quan tâm đến thị trường lao động Việt Nam
Giám đốc điều hành BVMW International kỳ vọng chuyến thăm của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ tạo cơ hội chiến lược để các doanh nghiệp của BVMW mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Việt Nam là đối tác rất quan trọng và Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức (BVMW) đang đặt mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên mở rộng thị trường và tăng sức cạnh tranh tại các địa bàn trọng điểm.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, chiều 9/10 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cùng đoàn công tác đã làm việc với hiệp hội BVMW, được coi là “xương sống của nền kinh tế” Đức.
Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc điều hành BVMW International, ông Andreas Jahn cho biết BVMW là hiệp hội doanh nghiệp lớn nhất châu Âu với 960.000 thành viên, hiện có văn phòng đại diện tại 85 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ông Andreas Jahn nhấn mạnh Việt Nam là đối tác rất quan trọng và hiệp hội đang đặt mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên mở rộng thị trường và tăng sức cạnh tranh tại các địa bàn trọng điểm.
Lãnh đạo BVMW bày tỏ kỳ vọng chuyến thăm của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ tạo cơ hội chiến lược để các doanh nghiệp của BVMW mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Tại cuộc gặp, đại diện 8 doanh nghiệp của BVMW đã trao đổi và nêu các đề xuất với Phó Thủ tướng và đoàn công tác các nội dung liên quan đến việc hợp tác, kết nối đầu tư trong các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường, đổi mới sáng tạo… Đặc biệt, các ý kiến đều nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Đức trong lĩnh vực cung ứng lao động, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cả về lý thuyết và thực hành đối với các ngành nghề y tế; nhà hàng, khách sạn; phát triển cơ sở hạ tầng; công nghệ sinh học, hóa học; thiết bị y tế, giáo dục…
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc bày tỏ vui mừng được làm việc cùng BVMW và lắng nghe các ý kiến trao đổi. Phó Thủ tướng đánh giá cao vai trò của hiệp hội và mong muốn BVMW sẽ tiếp tục là cầu nối để giới thiệu các doanh nghiệp của Đức tìm hiểu cơ hội, đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam cũng như kết nối để doanh nghiệp, hàng hóa của Việt Nam đầu tư, đến với thị trường Cộng hòa Liên bang Đức.
Chia sẻ những thông tin cơ bản về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh Việt Nam hiện là quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu Đông Nam Á, nguồn nhân lực dồi dào, là nền kinh tế năng động, có độ mở lớn, nằm trong top 40 nền kinh tế của thế giới, top 20 về thương mại toàn cầu; các chỉ số kinh tế vĩ mô được luôn được đảm bảo; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng không ngừng ở mức 2 con số…
Cho rằng quy mô hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc gợi mở những cơ hội để các doanh nghiệp Đức có thể tìm hiểu cơ hội và hợp tác đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo (điện gió, điện khí, điện mặt trời); đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo,… đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực cho thị trường lao động của Đức.
Bày tỏ ủng hộ với các ý kiến phát biểu về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh yêu cầu "đào tạo phải có địa chỉ và cơ cấu hợp lý," tránh lãng phí nguồn nhân lực… Phó Thủ tướng nêu rõ Việt Nam luôn nhất quán về chính sách đầu tư, tôn trọng các cam kết; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.
Việt Nam đối xử bình đẳng, không có sự phân biệt giữa các thành phần doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân; đề nghị Hiệp hội BVMW làm cầu nối, lên kế hoạch hợp tác và nêu rõ các nhu cầu, mong muốn của hiệp hội để các cơ quan chức năng của Việt Nam trao đổi, hướng dẫn…
Phó Thủ tướng mời BVMW cùng đại diện các doanh nghiệp Đức tới Việt Nam để tìm hiểu cơ hội, thúc đẩy hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Về phần mình, các doanh nghiệp Đức lắng nghe những đề xuất của phía Việt Nam, ghi nhận thế mạnh của quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là tiềm năng của thị trường lao động, lĩnh vực mà Đức hết sức quan tâm.
Các doanh nghiệp Đức cũng đã cung cấp cho phía Việt Nam những nhu cầu mong muốn cụ thể của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn và đào tạo nghề…
Theo các doanh nghiệp Đức, với việc Luật Nhập cư lao động có tay nghề chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2024, cơ hội cho người lao động có trình độ đến từ các quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Việt Nam đang được mở rộng, đặc biệt là việc đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, công nhận bằng cấp, chứng chỉ của các bên.
Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác đang phát triển mạnh mẽ giữa Việt Nam và Đức, hy vọng sẽ làm bàn đạp cho các doanh nghiệp, cũng như các địa phương hai nước tăng cường hợp tác./.