Đức nhấn mạnh ba trụ cột trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Theo Ngoại trưởng Đức, mối quan hệ đối tác lãnh đạo xuyên Đại Tây Dương dựa trên ba trụ cột gồm hợp tác an ninh, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tăng cường dân chủ.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich, ngày 18/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 2/8, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh mối quan hệ và trách nhiệm của châu Âu và Mỹ trong một thế giới mới, đồng thời khẳng định rằng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương "đang gần gũi hơn bao giờ hết" kể từ khi cuộc Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Phát biểu tại một trường Đại học ở New York khi tới Mỹ dự hội nghị của Liên hợp quốc về giải trừ quân bị, Ngoại trưởng Đức Baerbock bày tỏ ủng hộ "quan hệ đối tác lãnh đạo" xuyên Đại Tây Dương.

Bà Baerbock nhắc lại ý tưởng của cựu Tổng thống Mỹ George Bush, người đã đề nghị thiết lập mối quan hệ đối tác lãnh đạo với một nước Đức tái thống nhất sau khi bức tường Berlin sụp đổ.

Tuy nhiên điều đó chưa xảy ra và ý tưởng này "vượt quá thời đại" lúc đó, bởi Đức quá bận rộn với sự thống nhất và định vị bản thân ở châu Âu. Tuy nhiên, giờ đây, mối quan hệ đối tác lãnh đạo phải được khôi phục, không chỉ giữa người Đức và người Mỹ, mà giữa người châu Âu và người Mỹ.

[Mỹ-Italy thảo luận vai trò của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương]

Theo Ngoại trưởng Đức, mối quan hệ đối tác lãnh đạo này dựa trên ba trụ cột, gồm hợp tác an ninh; trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tăng cường dân chủ.

Trước hết là vấn đề an ninh, trong đó châu Âu nên tăng cường đóng góp cho NATO. Ngoài ra, EU phải trở thành nhà kiến tạo mạnh mẽ hơn cho vấn đề an ninh, chẳng hạn thông qua việc tích hợp ngành công nghiệp quốc phòng.

Tăng cường an ninh cũng bao gồm việc chống lại thông tin sai lệch trên truyền thông xã hội hoặc kiểm tra chuỗi cung ứng không đảm bảo đối với các hàng hóa quan trọng, điều này cũng bao gồm việc giảm phụ thuộc kinh tế.

Trụ cột xuyên Đại Tây Dương thứ hai bao gồm cam kết chung về trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Trật tự này không phải là trật tự của phương Tây, mà là một khuôn khổ cho phép tất cả các quốc gia phát triển và cùng chung sống hòa bình. Đó còn là sự bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ.

Việc tăng cường khả năng chống chịu của các nền dân chủ là trụ cột thứ ba của mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương. Theo Ngoại trưởng Baerbock, Đức phải đóng vai trò hàng đầu trong việc củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương với Mỹ. Bà nhấn mạnh rằng cần phải tạo ra một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn và không thể đảo ngược cho thế kỷ 21./.

Toàn cảnh một phiên họp của Hội nghị an ninh Munich (MSC) lần thứ 56 ở Munich (Đức), ngày 15/2/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

(Vietnam+)