Đức khẳng định tiếp tục đóng vai trò quan trọng tại khu vực Sahel
Quân đội Đức vẫn có ý định đóng một vai trò quan trọng ở khu vực Sahel, bất chấp việc rút binh lính khỏi Mali và không muốn "đóng cánh cửa" đối với khu vực này.
Ngày 14/4, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết quốc gia châu Âu này vẫn có ý định đóng một vai trò quan trọng ở khu vực Sahel, bất chấp việc rút binh lính khỏi Mali và không muốn "đóng cánh cửa" đối với khu vực này.
Trong chuyến thăm Mali, ông Pistorius nói: "Khu vực này cần sự hợp tác của Liên minh châu Âu, cộng đồng quốc tế và Đức để mang lại sự ổn định vốn cần được khôi phục và đảm bảo."
Ông khẳng định: “Điều đó ngụ ý rằng chúng tôi cần tiếp tục giữ liên lạc. Chúng tôi không đóng cánh cửa tại đây, mà thậm chí là ngược lại."
[Chính phủ Đức tuyên bố rút lực lượng khỏi Mali từ năm 2024]
Đức đã quyết định rút hàng trăm binh sỹ tại Mali vào tháng 5/2024. Những binh sỹ này có đóng góp quan trọng nhất cho phương Tây trong Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Mali (MINUSMA), quốc gia đang bị tàn phá bởi chủ nghĩa thánh chiến và các loại bạo lực, vốn đã lan rộng sang cả các nước láng giềng trong khu vực.
Ông Pistorius nhắc lại Berlin đánh giá các điều kiện tại Mali không còn được đáp ứng để họ tiếp tục tham gia MINUSMA.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng ngay cả với Mali, những cầu nối trong lĩnh vực quân sự không hoàn toàn bị phá vỡ, đồng thời khẳng định ý chí của Đức trong việc huấn luyện lực lượng ở khu vực Sahel.
Ông Pistorius cho biết thêm tại Niger, nơi ông có chuyến thăm hôm 12/4, Đức đang tiến hành hoạt động đào tạo và giáo dục.
Ông cũng gửi lời đề nghị tới Niger cũng như các quốc gia khác trong khu vực rằng nếu họ sẵn sàng tham gia vào các phái bộ như MINUSMA, Đức sẵn sàng hỗ trợ song phương về việc tăng cường trang thiết bị, nhưng trên hết là huấn luyện. Mali cũng không nằm ngoài đề nghị này và 30 người Mali hiện đang được đào tạo, huấn luyện tại Đức.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức khẳng định Đức tiếp tục coi mình là một "nhân tố quan trọng" ở Sahel.
Ông nói khu vực này cần một "cam kết rõ ràng" từ cộng đồng quốc tế. Đức không muốn tình hình ở đây tiếp tục xấu đi và để những người khác lợi dụng điều đó.
Theo thông cáo báo chí từ phủ tổng thống Mali, trong chuyến thăm của mình, ông Pistorius đã gặp Đại tá Assimi Goïta - người đứng đầu chính quyền quân sự cầm quyền Mali.
Hồi cuối năm 2022, người phát ngôn của Chính phủ Đức Steffen Hebestreit thông báo Berlin sẽ rút lực lượng khỏi Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) vào tháng 5/2024.
Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp giữa Thủ tướng Olaf Scholz và các đối tác gồm đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh trong liên minh cầm quyền.
Quân đội Đức đã có mặt tại Mali từ năm 2013 với sự hiện diện của 1.400 binh sỹ trong khuôn khổ sứ mệnh MINUSMA.
Từ đầu năm nay, quân đội Đức đảm nhận một phần nhiệm vụ của binh lính Pháp, sau khi Paris quyết định rút toàn bộ lực lượng gồm 2.400 binh sỹ ra khỏi quốc gia Tây Phi này sau gần 10 năm triển khai để giúp Mali tiến hành các chiến dịch truy quét các phần tử thánh chiến cực đoan.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, các binh sỹ Đức tại Mali đã phải đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng, liên tục phải hoãn các cuộc tuần tra trên không do không được chính quyền quân sự của Mali cấp phép./.