Đức kêu gọi chấm dứt phong tỏa tại khu vực Nagorny-Karabakh
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết tình hình nhân đạo tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh đang rất căng thẳng, việc chấm dứt phong tỏa ngay lập tức là hết sức cần thiết.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 7/2 đã kêu gọi mở lại một hành lang quan trọng tới khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh, sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Armenia.
Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Đức, quốc gia dẫn đầu phái bộ Liên minh châu Âu (EU) trong khu vực, cho biết tình hình nhân đạo đang rất căng thẳng, việc chấm dứt phong tỏa ngay lập tức là hết sức cần thiết.
[Nga sẵn sàng triển khai quân tới biên giới Armenia-Azerbaijan]
Bà Baerbock khẳng định: “Các kệ hàng trong siêu thị gần như trống rỗng, thiếu thuốc men... các thành viên trong nhiều gia đình đang mắc kẹt ở Armenia và không thể về với người thân của họ, trong khi học sinh đang chịu cảnh rét mướt khổ cực do nguồn cung năng lượng bị cắt hoàn toàn.”
Bà Baerbock cho biết sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Armenia Ararat Mirzoyan, nhiệm vụ cần làm lúc này là đảm bảo sự ổn định và trên hết là củng cố niềm tin trong khu vực đầy biến động. Điều này bao gồm việc thiết lập đường dây nóng khẩn cấp giữa chính quyền quốc gia và địa phương.
Theo bà Baerbock, với tư cách trưởng đoàn, Đức sẽ phối hợp với cảnh sát địa phương và các chuyên gia dân sự.
Kể từ giữa tháng 12/2022, một nhóm người Azerbaijan đã phong tỏa con đường duy nhất từ Armenia đến khu vực Karabakh để phản đối những gì họ cho là khai thác trái phép gây hủy hoại môi trường.
Kết quả là khu vực vùng núi với khoảng 120.000 người vốn sinh sống trong tình trạng thiếu lương thực, thuốc men và nhiên liệu càng trở nên khó khăn hơn.
Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia muốn sáp nhập khu vực này vào Armenia.
Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa 2 nước láng giềng mà đỉnh điểm là xung đột kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.
Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, song chưa tìm được giải pháp do cả 2 đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp này thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra./.