Đức: Công ty phần mềm SAP nộp phạt hơn 220 triệu USD tại Mỹ
Trong giai đoạn 2013-2018, SAP hối lộ các quan chức ở Nam Phi và Indonesia để tăng cơ hội trúng thầu các hợp đồng cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho các bộ, ngành, thành phố và các công ty sở tại.
Giới chức Mỹ ngày 10/1 thông báo Công ty Phần mềm SAP (Đức) đã đồng ý trả hơn 220 triệu USD để dàn xếp các cáo buộc hối lộ các quan chức chính phủ ở bảy quốc gia, trong đó có Indonesia và Nam Phi.
Bộ Tư pháp Mỹ và Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) cho biết thỏa thuận trên nhằm dàn xếp những cáo buộc đối với SAP trên cơ sở Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài (FCPA) của Mỹ.
Theo hồ sơ tòa án, trong giai đoạn 2013-2018, SAP đã hối lộ các quan chức ở Nam Phi và Indonesia để tăng cơ hội trúng thầu các hợp đồng cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho các bộ, ngành, thành phố và các công ty sở tại.
Công ty này cũng bị cáo buộc về vấn đề hối lộ ở năm quốc gia khác gồm Malawi, Kenya, Tanzania, Ghana và Azerbaijan.
Theo Ủy viên công tố phụ trách khu vực Đông Virginia Jessica Aber, SAP đã thừa nhận các sai phạm và chấp nhận nộp phạt.
Trong một tuyên bố, SAP cam kết thực hiện đầy đủ các điều khoản thỏa thuận. Tuyên bố cũng cho biết, kể từ năm 2018 đến nay, công ty đã nỗ lực tuân thủ các quy tắc toàn cầu về chống tham nhũng và siết chặt các biện pháp quản lý nội bộ.
Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia, trong 10 năm qua, các công ty phần mềm chủ yếu tập trung vào việc phát triển nhanh nhất có thể. Nhưng điều này đã thay đổi trong năm 2023, khi lợi nhuận đã trở thành vấn đề được quan tâm trong ngành này. Trong bối cảnh lãi suất gia tăng, giới đầu tư đã quá mệt mỏi với tư duy tăng trưởng bằng mọi giá, vốn đã chi phối ngành phần mềm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Giới lãnh đạo doanh nghiệp ứng phó bằng cách cắt giảm nhân sự, thuê lao động ở nước ngoài, cắt giảm phúc lợi cho nhân viên, đóng cửa nhiều văn phòng.
Đặc biệt, các công ty đang lỗ phải chịu áp lực rất lớn. Twilio Inc., công ty phần mềm truyền thông, đã thực hiện ba đợt cắt giảm nhân sự, đồng thời bỏ nhiều phúc lợi như nghỉ phép và các khoản trợ cấp.
Công ty này được dự đoán sẽ lần đầu có lãi trên mỗi cổ phiếu trong năm nay. Snowflake Inc., Okta Inc., và Nutanix Inc. cũng là những công ty sẽ ghi nhận lợi nhuận dương lần đầu tiên trong năm 2023.
Salesforce Inc., được xem là người dẫn đầu trong ngành công nghệ phần mềm, là công ty ghi nhận sự thay đổi lớn nhất. Đối mặt với đà tăng trưởng doanh thu giảm tốc, các nhà đầu tư chủ động đã yêu cầu Salesforce, có thời điểm được định giá khoảng 150 tỷ USD, ngừng đốt tiền như một công ty khởi nghiệp (startup) và nâng biên lợi nhuận lên các mức tiêu chuẩn của Adobe Inc. và Oracle Corp.
Nhà đầu tư chủ động là những nhà đầu tư mua và nắm giữ số lượng cổ phần lớn tại một doanh nghiệp và giữ chức vụ trong hội đồng quản trị nhằm mang đến các thay đổi lớn trong doanh nghiệp đó.
Ngoài các đợt cắt giảm nhân sự với quy mô lớn chưa từng có, Salesforce đã nhóm các sản phẩm của họ thành gói và bán chúng thông qua các kênh mới như Amazon Web Services, và các điểm tự phục vụ (self-service) để giảm chi cho các khoản hoa hồng.
Self - Service là giải pháp giúp doanh nghiệp cung cấp sản phẩm/dịch vụ tới khách hàng thông qua thiết bị và hệ thống máy móc tự động không cần có sự hiện diện của giao dịch viên./.