Đức cam kết giúp Romania gia nhập khu vực Schengen trong năm nay
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Berlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh cam kết của Berlin giúp Bucharest trở thành thành viên đầy đủ của khu vực Schengen ngay trong năm nay.
Tân Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu ngày 4/7 đã có chuyến thăm tới Đức để thảo luận với người đồng cấp nước chủ nhà Olaf Scholz về nỗ lực sớm gia nhập khu vực tự do đi lại Schengen cũng như các vấn đề cùng quan tâm khác, trong đó có cuộc xung đột tại Ukraine.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Berlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh cam kết của Berlin giúp Bucharest trở thành thành viên đầy đủ của khu vực Schengen ngay trong năm nay.
Thủ tướng Scholz đánh giá cao nỗ lực của Romania trong hành trình gia nhập không gian tự do đi lại này.
Tháng 12/2022, nỗ lực của Romania và Bulgaria gia nhập khu vực Schengen đã thất bại tại Hội đồng Bộ trưởng EU do vấp phải sự phủ quyết của Áo.
Theo Thủ tướng Scholz, Đức đang liên tục thảo luận việc gia nhập Schengen của hai nước với những nước EU còn hoài nghi.
Thủ tướng Romania Ciolacu cho biết Đức đã chứng minh là "người bạn thực sự của Romania," đồng thời nhấn mạnh ông đã thảo luận với người đồng cấp Đức về cách thức vượt qua "sự phong tỏa phi lý" đối với việc gia nhập Schengen của Bucharest, cho rằng sự phong tỏa này gây ảnh hưởng đến sự thống nhất của châu Âu.
Hồi tháng 3, Tây Ban Nha cho biết Bulgaria nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của Tây Ban Nha trong tiến trình gia nhập khu vực đi lại tự do Schengen với tư cách là thành viên đầy đủ.
[Các sân bay Croatia bắt đầu áp dụng quy định của khu vực Schengen]
Hồi tháng 11 năm ngoái, Ủy ban châu Âu (EC) đã kêu gọi đưa Bulgaria, Croatia và Romania vào khu vực miễn thị thực Schengen, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đi lại giữa 3 quốc gia này và hầu hết các nước châu Âu.
Khu vực Schengen - được thiết lập từ năm 1985 để cho phép 420 triệu người dân của các nước tham gia được đi lại tự do - hiện có 27 thành viên, trải dài từ Iceland đến Hy Lạp, sau khi Croatia chính thức gia nhập từ ngày 1/1/2023.
Bulgaria và Romania đã hoàn tất quá trình đánh giá gia nhập Schengen vào năm 2011, song Hội đồng châu Âu vẫn trì hoãn quyết định tiếp nhận suốt hơn 11 năm qua. Croatia trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2013, trong khi Bulgaria và Romania đã gia nhập khối từ năm 2007.
Schengen bao gồm tất cả các quốc gia thành viên còn lại của EU, ngoại trừ Cộng hòa Síp và Ireland. Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ không phải thành viên EU nhưng cũng tham gia Schengen.
Các quốc gia xin gia nhập Schengen được yêu cầu phải chứng minh rằng họ có những biện pháp kiểm soát hiệu quả tại biên giới với các nước không thuộc khu vực Schengen, và phải ưu tiên chống tội phạm xuyên biên giới, sẵn sàng chia sẻ thông tin và có hệ thống xử lý yêu cầu từ những người xin tị nạn./.