Đức: Các biện pháp cứu trợ không đủ để ngăn chặn suy thoái
Theo báo cáo của Văn phòng Thống kê Liên bang, Đức đang phải vật lộn để ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng đang trở nên trầm trọng sau khi Nga cắt gần như hoàn toàn nguồn cung khí đốt tự nhiên.
Số đơn đặt hàng của các nhà máy ở Đức đã giảm tháng thứ sáu liên tiếp do lạm phát và sự không chắc chắn về nguồn cung năng lượng làm suy yếu nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Theo báo cáo của Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis), Đức đang phải vật lộn để ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng đang trở nên trầm trọng sau khi Nga cắt gần như hoàn toàn nguồn cung khí đốt tự nhiên.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ngay cả khi thành công, nền kinh tế đầu tàu châu Âu vẫn quay cuồng do chi phí tăng đột ngột đang đè nặng lên sản xuất công nghiệp và làm chệch hướng sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ sau thời gian dài áp đặt các biện pháp hạn chế để chống đại dịch COVID-19.
Số đơn đặt hàng chậm lại do nhu cầu tiêu dùng trong tháng 7/2022 đã giảm 1,1% so với tháng Sáu, cao hơn mức giảm 0,7% mà các nhà kinh tế dự đoán.
Theo Destatis, cùng với những tác động chưa thể khắc phục hết do cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành đơn đặt hàng do chuỗi cung ứng bị gián đoạn liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global tuần trước cũng thông báo các nhà máy cũng đang hoạt động chậm lại tại nhiều khu vực rộng lớn thuộc Khu vực đồng euro (Eurozone) do sức mua của người tiêu dùng đang suy giảm.
[Tâm lý nhà đầu tư giảm sút, kinh tế Đức đang rơi vào suy thoái]
Trước đó ngày 4/9, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã công bố gói cứu trợ thứ ba trị giá 65 tỷ euro (64,5 tỷ USD) nhằm giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp đối phó với tình trạng khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng gói cứu trợ vẫn không đủ để ngăn chặn suy thoái.
Nhà kinh tế của ING, Carsten Brzeski cho biết khoản viện trợ 65 tỷ euro của Đức nhằm giúp người dân đối phó với giá năng lượng cao có lẽ sẽ không ngăn chặn được suy thoái kinh tế.
Theo ông Carsten Brzeski, mặc dù các biện pháp trên sẽ thực sự mang lại một số cứu trợ cho những người yếu kém hơn về tài chính, nhưng nhiều người vẫn hoài nghi rằng gói hỗ trợ này có thể đủ để bù đắp hết những tác động từ giá năng lượng cao.
Trong số hàng loạt các biện pháp được chính phủ đưa ra như giới hạn giá điện, việc trợ cấp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, sinh viên và người về hưu cũng sẽ cao hơn. Ngoài ra, chính phủ cũng cam kết ủng hộ nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) đánh thuế lợi nhuận nếu thu nhập tại một số công ty năng lượng tăng cao.
Tuy nhiên, trong bối cảnh một số yếu tố thủ tục quan trọng chưa hoàn thiện, gói cứu trợ đầy đủ chưa thể có hiệu lực ngay trong năm nay. Với khoản hỗ trợ ít ỏi cho các công ty hoặc hộ gia đình không nhận trợ cấp xã hội, các biện pháp của chính phủ khó có thể ngăn chặn nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Trong khi đó, nhà kinh tế của ngân hàng Commerzbank Joerg Kraemer cảnh báo rằng các biện pháp hỗ trợ này đang tạo ra ảo tưởng rằng một phần lớn dân số có thể được che chắn khỏi tác hại của giá năng lượng tăng. Cùng với năng lực sản xuất tối đa, cách tiếp cận như vậy có nguy cơ tiếp tục thúc đẩy giá tiêu dùng vốn đã tăng cao hiện nay./.