Đưa quan hệ Việt Nam-Malaysia đi vào thực chất, hiệu quả hơn

Việt Nam và Malaysia nhất trí duy trì phối hợp để thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đã ký, bao gồm Kế hoạch Hành động Việt Nam-Malaysia để triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nhân dịp sang dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Labuan Bajo, Indonesia. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo Thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20 đến ngày 21/7.

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Anwar Ibrahim tới Việt Nam kể từ khi nhậm chức vào tháng 12/2022.

Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt khi trong năm 2023 này, Việt Nam và Malaysia mới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (30/3/1973-30/3/2023). Chuyến thăm góp phần củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt, đưa quan hệ song phương đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Dấu ấn trên chặng đường nửa thế kỷ

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30/3/1973, quan hệ Việt Nam-Malaysia đã trải qua chặng đường dài 50 năm xây dựng và liên tục phát triển với dấu mốc quan trọng là việc hai nước ký Tuyên bố chung về Khuôn khổ Đối tác Chiến lược vào ngày 7/8/2015, càng đặc biệt hơn khi Việt Nam là Đối tác Chiến lược duy nhất của Malaysia trong ASEAN.

Quan hệ hữu nghị giữa hai nước phát triển toàn diện và sâu rộng trên tất cả các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Việc nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược một mặt thể hiện mức độ phát triển sâu rộng của quan hệ hai nước, thể hiện sự tin tưởng chính trị cao; mặt khác mở ra trang mới cho hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, văn hóa, quốc phòng-an ninh, khoa học-công nghệ và phát triển bền vững...

[Việt Nam-Malaysia phối hợp chặt chẽ xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh]

Hiện nay, hai nước đã và đang tích cực phối hợp thực thi hiệu quả Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2021-2025. Đây là tiền đề quan trọng nhằm củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trong những năm tiếp theo.

Trong thời gian đại dịch COVID-19, hai bên vẫn thường xuyên duy trì các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, trên tất cả các kênh đảng, nhà nước, chính phủ, quốc hội và giao lưu nhân dân dưới nhiều hình thức linh hoạt (cả trực tuyến và trực tiếp), nổi bật là chuyến thăm Việt Nam vào tháng 3/2022 của Thủ tướng Malaysia khi đó là ông Dato Sri Ismail Sabri Yaakob.

Các cơ chế hợp tác cũng được lãnh đạo hai nước quan tâm thúc đẩy và duy trì với việc Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 6 Ủy ban hợp tác về Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam-Malaysia theo hình thức trực tuyến vào tháng 11/2021; và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược quan chức cấp cao lần thứ 2 vào tháng 4/2021 cũng theo hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước cũng đang có nhiều kế hoạch đi thăm lẫn nhau và thúc đẩy quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực.

Hợp tác quốc phòng tiếp tục được quan tâm thúc đẩy thông qua các hoạt động tiếp xúc cấp cao như cuộc điện đàm giữa Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam và Tư lệnh Quốc phòng Malaysia vào tháng 12/2021, trong đó hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trao đổi đoàn, giao lưu, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm giữa các quân, binh chủng.

Trong lĩnh vực an ninh, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, nổi bật là chuyến thăm Malaysia của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vào tháng 2/2020.

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí tăng cường đào tạo, trao đổi và chia sẻ thông tin liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm khủng bố, tội phạm mạng và tội phạm xuyên quốc gia. Việc ký Hiệp định hợp tác về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia vào năm 2015 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng giúp thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm an ninh quốc gia của cả hai bên.

Hợp tác song phương trong các lĩnh vực lao động, giáo dục, du lịch… cũng ghi nhận nhiều kết quả tốt đẹp. Hiện đang có khoảng hơn 1.000 lưu học sinh viên Việt Nam du học tại Malaysia. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác giáo dục (ngày 6/3/2019), thay cho Bản ghi nhớ ký năm 2004.

Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang và Tổng Biên tập BERNAMA Khairdzir bin Md Yunus ký kết Thỏa thuận hợp tác nghiệp vụ năm 2022. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Hãng Thông tấn Quốc gia Malaysia (BERNAMA) và Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết lẫn nhau của người dân hai nước, thúc đẩy mối quan hệ sau 50 năm thiết lập.

Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của BERNAMA Roslan Ariffin cho rằng BERNAMA và TTXVN với những thế mạnh riêng có thể học hỏi lẫn nhau cùng phát triển, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế nhiều thách thức như hiện nay.

Giữa hai cơ quan thông tấn quốc gia đã có Thỏa thuận hợp tác trao đổi thông tin được ký kết hơn 40 năm trước đây vào ngày 8/12/1982 và được làm mới 3 lần vào các 1991, 2015 và tháng 3/2022. Thỏa thuận đã cho phép duy trì dòng chảy tin tức giữa hai quốc gia, cung cấp cho nhân dân hai nước lượng thông tin phong phú để có cái nhìn đúng đắn về sự phát triển của cả hai quốc gia, về các lĩnh vực chính trị, kinh tế hay xã hội.

Điểm sáng về hợp tác kinh tế-thương mại

Trên nền tảng quan hệ chính trị vững chắc, hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Malaysia liên tục phát triển. Đây là lĩnh vực hợp tác song phương đạt kết quả tích cực trong những năm gần đây khi Malaysia luôn nằm trong nhóm các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam.

Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 11, thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Malaysia. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 12,5 tỷ USD năm 2021 (tăng 25,3% so với cùng kỳ 2020); đạt 14,67 tỷ USD năm 2022 (tăng 14,8% so với năm 2021). Trong hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch song phương đạt 1,94 tỷ USD. Hai nước dự kiến sẽ đạt mục tiêu kim ngạch song phương 18 tỷ USD vào năm 2025 và đang hướng tới mục tiêu đạt 25 tỷ USD vào năm 2030.

Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong ASEAN. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Việt Nam xuất chủ yếu sang Malaysia điện thoại và linh kiện, dầu thô, gạo, cà phê, hải sản; nhập khẩu chủ yếu máy vi tính và sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị, xăng dầu, hàng điện gia dụng và linh kiện, hoá chất.

Trong lĩnh vực đầu tư, Malaysia là nhà đầu tư lớn thứ ba trong ASEAN tại Việt Nam (sau Singapore và Thái Lan), đứng thứ 10/142 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 710 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 13,08 tỷ USD (tính đến tháng 2/2023).

Malaysia đã đầu tư vào nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó đứng đầu là Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp theo là Trà Vinh, Hà Nội và các địa phương khác.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 21 dự án đầu tư còn hiệu lực sang Malaysia với tổng vốn đăng ký đạt 853 triệu USD, đứng thứ 9/78 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam (tính đến tháng 3/2022).

Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 11, thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Malaysia. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 14,67 tỷ USD năm 2022 (tăng 14,8% so với năm 2021). Hai nước dự kiến sẽ đạt mục tiêu kim ngạch song phương 18 tỷ USD vào năm 2025 và đang hướng tới mục tiêu đạt 25 tỷ USD vào năm 2030.

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư Malaysia quan tâm tới thị trường Việt Nam. Họ nhận thấy Việt Nam còn rất nhiều cơ hội đầu tư, hợp tác và kinh doanh, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế-thương mại mà còn trong kết nối trở lại du lịch, giao lưu nhân dân, giáo dục và lao động.

Trong khi đó, thị trường Malaysia đang rất cần lực lượng lao động cũng như có nhiều tiềm năng về hợp tác du lịch và đầu tư. Trong lĩnh vực hợp tác về thực phẩm theo tiêu chuẩn Hồi giáo Halal, Malaysia là một trong những nước có thế mạnh và đi đầu trong việc xây dựng tiêu chuẩn, thúc đẩy hợp tác đối với các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thủy-hải sản và các mặt hàng xuất khẩu khác.

Các mặt hàng này của Việt Nam sẽ không chỉ nhập khẩu vào thị trường Malaysia mà còn trung chuyển qua Malaysia tới các thị trường Hồi giáo ở Trung Đông và các nơi khác trên thế giới.

Trọng tâm hợp tác Việt Nam-Malaysia thời gian tới

Trong Tuyên bố Báo chí chung giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Malaysia hồi tháng Ba vừa qua, hai bên tái khẳng định cam kết làm sâu sắc hơn nữa hợp tác chính trị và kinh tế. Hai bên cam kết tiếp tục thực hiện Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2021-2025. Hai bên sẽ tích cực thúc đẩy và triển khai thường xuyên các tiếp xúc cấp cao, tăng cường các cơ chế hợp tác song phương.

Để đạt được các cam kết này, hai bên sẽ tăng cường trao đổi các chuyến thăm cấp cao trong năm nay, tổ chức họp Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật (JCM) và Ủy ban Hỗn hợp Thương mại (JTC). Hai bên sẽ tiếp tục hợp tác tại các diễn đàn đa phương để xử lý các thách thức toàn cầu.

Hai bên đánh giá cao giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng gắn kết và phát triển, tin tưởng chắc chắn vào các lợi ích chung có được từ quan hệ giao lưu nhân dân này. Hai bên sẽ tiếp tục tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Trong thời gian tới, hai bên tiếp tục thực hiện cam kết chung tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược, cùng phấn đấu vì hòa bình, thịnh vượng trong khu vực và thế giới.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Dato' Sri Saifuddin bin Abdullah trao đổi Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaysia về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Đại biện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, trọng tâm hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới chính là phối hợp thúc đẩy, giám sát để triển khai một cách có hiệu quả nhất Chương trình Hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2021-2025, trong đó đặc biệt chú trọng việc duy trì tin cậy chính trị, duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, trên tất cả các kênh, không ngừng thúc đẩy hợp tác kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai hợp tác trong các lĩnh vực mới và tiềm năng như công nghiệp Halal, chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, hai bên cần phải duy trì đều đặn, đồng thời phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương nhằm hiện thực hóa các thỏa thuận cấp cao trong việc phối hợp triển khai các mục tiêu phát triển trong từng lĩnh vực cụ thể.

Về hợp tác kinh tế, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí đặt mục tiêu đưa kim ngạch song phương lên 18 tỷ USD vào năm 2025. Hướng tăng trưởng kim ngạch là rất khả thi, tuy nhiên để hiện thực hóa được mục tiêu này, hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp, tích cực tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm của nhau, đồng thời các doanh nghiệp hai bên không ngừng tìm kiếm các hướng hợp tác trao đổi thương mại các mặt hàng mà hai nước có thế mạnh như nông thủy sản, các sản phẩm Halal, công nghiệp thực phẩm, sản phẩm linh kiện điện tử...

Cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia hiện có khoảng 30.000 người sẽ là cầu nối góp phần thúc đẩy quan hệ truyền thống giữa hai nước ngày một tốt đẹp hơn./.

(Vietnam+)