Đưa Ngân hàng về gần người nghèo và các đối tượng chính sách khác
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực cùng những giải pháp của các cấp, ngành ở Đồng Nai kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo từ 4,01% (năm 2014) xuống còn 1,36% (đầu năm 2024).
Với phương thức “Giao dịch gần nhà-giải ngân, thu nợ tại xã,” Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác quản lý các tổ tiết kiệm và vay vốn, hằng tháng tổ chức giao dịch tại các điểm được đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn.
Các tổ giao dịch này được trang bị đầy đủ điều kiện hoạt động, đảm bảo an ninh, an toàn; cung cấp dịch vụ tiết kiệm cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tiếp sức người nghèo
Theo ông Phạm Duy Thi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Phú, dù là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Đồng Nai nhưng địa phương đã tổ chức tốt 18 điểm giao dịch tại 18 xã, thị trấn nhằm đưa hoạt động vay vốn đến gần dân; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến giao dịch an toàn và tiết giảm chi phí đi lại trong quá trình vay vốn và sử dụng vốn vay.
Để tiếp sức cho người nghèo, bà Bùi Thủy Cẩm Lài, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm vay vốn ở xã Phú Lâm, huyện Tân Phú, cho biết: “Chúng tôi đến tận gia đình thẩm định tình hình từng hộ và tiếp tục mời tổ viên tới tham gia họp bình xét và biểu quyết hộ bà Lâm Thị Đức, thuộc diện khó khăn cần được tiếp cận nguồn vốn để phát triển đàn dê. Sau khi vay vốn, đàn dê của gia đình bà Đức từ 20 con đã phát triển lên 70 con. Thời gian tới, để mở rộng thêm trang trại chăn nuôi dê, bà Đức mong muốn tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn chính sách xã hội ở địa phương.”
Chia sẻ về việc tiếp sức cho người nghèo, người khó khăn vay vốn vươn lên trong cuộc sống, bà Lê Thị Huế, tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn Ấp 1, xã Gia Canh (huyện Định Quán) cho biết, tại buổi giao ban của tổ vào ngày 20 hằng tháng, khi có hộ mới đề nghị xin vay hoặc có vướng mắc, tổ trưởng và các thành viên họp bình xét công khai, dân chủ theo đúng quy định, đảm bảo đúng đối tượng dưới sự chứng kiến của Trưởng ấp và Hội Phụ nữ xã.
Ông Trần Giáp, tổ trưởng Tổ Kế hoạch nghiệp vụ thuộc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Định Quán, cho biết Tổ Tiết kiệm và vay vốn là cánh tay nối dài của Ngân hàng Chính sách xã hội giúp chuyển tải nguồn vốn đến đối tượng thụ hưởng, trực tiếp thực hiện một số nội dung công việc được Ngân hàng Chính sách xã hội ủy nhiệm.
Để đưa ngân hàng về gần dân, tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn chính là cầu nối để thực hiện chuyển vốn tin cậy cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, bà Vũ Thị Vân, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Phú Yên, xã Phú Trung, huyện Tân Phú, chia sẻ.
Ông Nguyễn Thế Vinh, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tân Phú, khẳng định để nguồn vốn phát huy hiệu quả, trong một tháng sau giải ngân cho vay, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với cán bộ chuyên môn, tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác và các tổ tiết kiệm vay vốn của xã đến từng gia đình động viên, hướng dẫn các hộ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.
Thân thiện, trách nhiệm
Theo ông Nguyễn Sỹ Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai, để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong điều kiện phải tinh giản biên chế, tiết giảm chi phí quản lý, Ngân hàng đã thực hiện phương thức ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng cho 4 tổ chức chính trị-xã hội thực hiện gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên.
Xác định phương thức quản lý vốn có ủy thác một số nội dung, công việc qua các tổ chức chính trị-xã hội là nhân tố quan trọng trong quản lý và triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo các tổ chức chính trị-xã hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn thực hiện tốt và mang lại hiệu quả thiết thực.
Phương thức ủy thác có sự phân công, phân cấp trong quản lý nguồn vốn. Các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác; Ngân hàng Chính sách xã hội thành lập và quản lý hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn tại các ấp, khu phố. Qua đó, người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cùng dịch vụ ngân hàng thuận lợi. Cán bộ đoàn thể nhận ủy thác cấp xã cùng với trưởng ấp, khu phố trực tiếp tham gia họp bình xét vay vốn, kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn, phối hợp hướng dẫn sản xuất, áp dụng khoa học-kỹ thuật, các chương trình khuyến nông, khuyến lâm vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Ông Mohamah A Mine, Trưởng ấp 4 kiêm Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn ấp 4, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, nhận định việc tổ chức giao dịch tại xã vào một ngày cố định trong tháng của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp người dân tiết kiệm chi phí giao dịch, đi lại.
Theo ông Trần Xuân Mạnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Xuân Lộc, việc tổ chức tốt các điểm giao dịch đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân cấp xã đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thuận lợi, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại; đồng thời, thuận lợi cho hoạt động giám sát của chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội và người dân đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sỹ Cường cho biết để hoạt động của ngân hàng gần dân, thân thiện và có trách nhiệm, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai đã tổ chức tốt hoạt động của 167 điểm giao dịch tại Ủy ban Nhân dân xã, thị trấn. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng trong tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ ngân hàng, tiết giảm chi phí, thời gian, đảm bảo công khai, minh bạch.
Thông qua điểm giao dịch xã, cấp ủy, chính quyền địa phương có điều kiện quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để giải quyết thấu đáo, kịp thời; từ đó, củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương. Điểm giao dịch xã hiện được người dân đồng tình ủng hộ; được cấp ủy, chính quyền địa phương và xã hội đánh giá cao.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực cùng những giải pháp của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Đồng Nai kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo từ 4,01% (năm 2014) xuống còn 1,36% (đầu năm 2024) theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh; đưa thu nhập bình quân đầu người của tỉnh tăng từ 64 triệu đồng/người (năm 2014) lên 139,75 triệu đồng/người (năm 2023). Qua đó, góp phần cùng tỉnh Đồng Nai thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới, quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức nhấn mạnh./.