Đưa kinh tế tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ song phương Việt Nam-Nhật Bản
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản tận dụng cơ hội, phát huy thế mạnh, thúc đẩy quan hệ kinh tế tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ song phương.
Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 4/12, tại thủ đô Tokyo, mở đầu cho các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có các cuộc ăn sáng làm việc với Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) do hai đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt của Keidanren, ông Fujimoto Masayoshi và ông Ueno Shingo, chủ trì.
Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt của Keidanren Fujimoto Masayoshi nồng nhiệt chào mừng và đánh giá cao chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến Nhật Bản; chân thành cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã dành thời gian tiếp Đoàn.
Ông Fujimoto Masayoshi nhấn mạnh trong hơn nửa thế kỷ, Nhật Bản và Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ hữu nghị trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế, ngoại giao và an ninh, văn hóa, trao đổi nhân sự.
Năm 2023 đã đánh dấu cột mốc quan trọng, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản-Việt Nam.
Gần đây nhất, tháng 10/2024, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru đã có cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan diễn ra tại Viêng Chăn (Lào); gặp Chủ tịch nước Lương Cường nhân dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima, Peru (tháng 11/2024); gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Brazil (tháng 11/2024).
Bày tỏ vui mừng khi quan hệ hợp tác giữa hai nước diễn ra sôi động ở nhiều cấp độ khác nhau, ông Fujimoto Masayoshi khẳng định cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của quan hệ Nhật Bản-Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, gồm thương mại, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Ông Fujimoto Masayoshi cũng nêu rõ Sáng kiến chung Nhật Bản-Việt Nam được triển khai từ năm 2003 là nỗ lực lâu dài nhằm xây dựng nền tảng cho quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Nhật Bản và Việt Nam cũng như Keidanren đã tham gia vào khuôn khổ này và thông qua nỗ lực của mình, các doanh nghiệp Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực cho sự phục hồi, phát triển của kinh tế Việt Nam.
Đặc biệt, tháng 3/2024, Nhật Bản và Việt Nam đã nhất trí khởi động “Sáng kiến chung Nhật Bản-Việt Nam trong kỷ nguyên mới.”
Trên cơ sở Sáng kiến mới này, ông Fujimoto Masayoshi cho biết các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của Nhật Bản hy vọng sẽ sớm thấy được những kết quả hợp tác ổn định trong các lĩnh vực như phát triển xanh, kỹ thuật số, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam và cá nhân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh sự hợp tác, đóng góp quý báu của Keidanren cũng như vai trò của hai Chủ tịch và lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, là cầu nối giúp các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cho biết chuyến thăm chính thức Nhật Bản nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Việt Nam, chủ động, tích cực củng cố và thúc đẩy “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới” Việt Nam-Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển mới hiệu quả, thực chất hơn trên các lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn doanh nghiệp và địa phương hai bên tận dụng cơ hội, tăng cường hơn nữa giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực, phát huy thế mạnh của mỗi bên, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam-Nhật Bản, tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ song phương để cùng phát triển trong thời gian tới.
Tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp của Nhật Bản và các thành viên Đoàn Việt Nam đã trao đổi, thảo luận về tăng cường hợp tác hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050; mở rộng các hoạt động đầu tư tại Việt Nam trên các lĩnh vực, như phát triển hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghiệp bán dẫn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; vấn đề bảo đảm điện phục vụ sản xuất kinh doanh.
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp cùng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu để cụ thể hóa vào các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, giúp các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư ổn định, lâu dài tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ chuyến thăm của Đoàn diễn ra ngay sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Quốc hội đã thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, trong đó có “một luật sửa 4 luật” về đầu tư, “một luật sửa 9 luật” về tài chính, ngân sách…, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản.
Đặc biệt, với Luật Điện lực (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực điện với các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản.
Nêu rõ, ngoài các tiềm năng, thế mạnh về phát triển thủy điện, năng lượng tái tạo, tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua nghị quyết về tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chủ tịch Quốc hội cho rằng điện là một trong những mối quan tâm đầu tiên của các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam, trong đó có các nhà đầu tư của Nhật Bản.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Việt Nam đã cho ý kiến, thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam; bày tỏ mong muốn tiếp tục được hợp tác và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực giao thông của Nhật Bản để phát triển đồng bộ hệ thống giao thông phục vụ người dân và phát triển kinh tế của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ 3 điểm nghẽn của Việt Nam hiện nay là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực và đang tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn này, trong đó xác định thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn.”
Khẳng định ý kiến đề nghị của các doanh nghiệp Nhật Bản tại cuộc làm việc là hoàn toàn hợp lý, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Việt Nam đã và đang tập trung sửa đổi, bổ sung và ban hành các sách mới, tạo tiền đề, chuẩn bị mọi điều kiện để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo; tin tưởng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho cả hai nước, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, sáng 4/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chứng kiến Lễ trao văn kiện hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp hai nước. Cùng dự buổi lễ có Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật Bản-Việt Nam của Keidanren Fujimoto Masayoshi.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương và Thống đốc tỉnh Nara Yamashita Makoto trao Biên bản ghi nhớ về việc tổ chức Hội nghị chính quyền địa phương và khu vực Đông Á lần thứ 14.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công tư cổ phần Đầu tư Phát triển Hoa Lâm Cần Thơ và ghi nhận đề xuất đầu tư cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Aeon Mall Việt Nam.
Công ty Sovico và Tập đoàn Marubeni trao Thỏa thuận hợp tác toàn diện cùng đầu tư và phát triển tại Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, khu công nghiệp, logistic và dịch vụ hàng không./.