Đưa Đổi mới sáng tạo trở thành động lực phát triển của Việt Nam

Việt Nam còn một khoảng cách khá lớn so với một số nước trong khu vực và các nền kinh tế phát triển trong Đổi mới Sáng tạo và trong việc đưa Đổi mới Sáng tạo trở thành một động lực tăng trưởng chính.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sáng 25/10, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE) tổ chức Hội thảo Khoa học “Động lực Đổi mới Sáng tạo trong bối cảnh Chuyển đổi Số - Từ tầm nhìn đến thực tiễn."

Sự kiện khoa học này được tổ chức 2 năm một lần, nhằm trao đổi, thảo luận những vấn đề về lãnh đạo, quản trị, quản lý phát triển mới, có tác động sâu sắc đến thế giới, khu vực và Việt Nam.

Hội thảo Quốc tế năm 2023 thu hút sự tham gia của đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, đông đảo các nhà khoa học, lãnh đạo quản lý của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và quốc tế.

Phát biểu chỉ đạo, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh sự kết hợp giữa công nghệ, thể chế và con người trong quá trình Chuyển đổi Số đang làm thay đổi sâu sắc nội hàm về chiến lược phát triển rút ngắn và về con đường phát triển “đi tắt, đón đầu” của các quốc gia đi sau, trong đó có Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng đã chia sẻ về tầm nhìn của Việt Nam trong phát triển dựa trên Đổi mới Sáng tạo. Theo đó, “Mô hình phát triển Việt Nam” có diện mạo nổi bật là sự ổn định, đổi mới, phát triển nhanh và bền vững, lấy con người làm trung tâm.

Để đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam luôn quan tâm đầu tư, phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, nhờ đó, trong những năm qua đã mang lại kết quả nổi bật. Khoa học công nghệ, Đổi mới Sáng tạo đã góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao, bình quân giai đoạn 2016-2020 là khoảng 6%.

[Nâng thứ hạng của Việt Nam trong Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu]

Tuy nhiên, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho rằng Việt Nam còn một khoảng cách khá lớn so với một số nước trong khu vực và các nền kinh tế phát triển trong lĩnh vực Đổi mới Sáng tạo và trong việc đưa Đổi mới Sáng tạo trở thành một động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.

Để vượt qua được những thách thức này, theo Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, có bốn trụ cột của động lực phát triển dựa trên Đổi mới Sáng tạo của Việt Nam.

Trụ cột thứ nhất là đẩy mạnh Chuyển đổi Số Quốc gia, phát triển Kinh tế Số, Xã hội Số, xây dựng Chính phủ Số; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Trụ cột thứ hai là phát huy vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong Đổi mới Sáng tạo.

Trụ cột thứ ba là xây dựng môi trường thể chế tạo thuận lợi cho Đổi mới Sáng tạo; trước hết là hệ thống chính sách, pháp luật đầy đủ, đồng bộ, minh bạch và có tính ưu đãi đủ lớn, hỗ trợ vượt qua rủi ro đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên Đổi mới Sáng tạo.

Trên tất cả, yếu tố con người phải giữ vai trò quyết định, với tư duy sáng tạo gắn với sự phát triển thế hệ tương lai của đất nước.

Giáo sư Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu, phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sau phiên khai mạc, các đại biểu tham dự hội thảo đã nghe các phát biểu, tham luận và ý kiến của các nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý trong và ngoài nước.

Các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận, đánh giá một cách toàn diện những kết quả đạt được trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về phát triển khoa học công nghệ, Đổi mới Sáng tạo; trong đó tập trung phân tích, đánh giá các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách hiện hành về khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Đổi mới Sáng tạo, nâng cao năng suất, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và bài học về Đổi mới Sáng tạo và phát huy vai trò của Đổi mới Sáng tạo như một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng đối với Việt Nam.

Hội thảo đưa ra những kiến nghị các giải pháp nâng cao năng lực khoa học công nghệ quốc gia; hoàn thiện hệ thống Đổi mới Sáng tạo quốc gia, nâng cao năng lực hấp thụ tiến bộ khoa học và công nghệ, để khoa học công nghệ và Đổi mới Sáng tạo thực sự trở thành động lực phát triển của Việt Nam trong thời gian tới./.

V.Đ (TTXVN/Vietnam+)