Dự thảo nhiệm vụ, điều kiện xét tuyển chức danh viên chức tư vấn học sinh

Viên chức tư vấn viên học sinh phải hiểu đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi, sức khoẻ học sinh, biết bảo mật thông tin cá nhân và bảo vệ lợi ích của học sinh.

Việc có thêm vị trí nhân viên tư vấn học sinh nhằm hỗ trợ học sinh, nhà trường các vấn đề liên quan đến sức khoẻ tâm thần của người học. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt.

Đây là nhân sự viên chức mới được bổ sung cho các trường học.

Theo đó, tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức tư vấn học sinh là phải thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng học sinh; bảo mật thông tin cá nhân và bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của học sinh; trung thực, khách quan, có ý thức trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm; giữ gìn phẩm chất, đạo đức, danh dự, uy tín viên chức; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp và học sinh…

Dự thảo cũng quy định nhiệm vụ, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng cụ thể cho viên chức tư vấn học sinh hạng III, hạng II và hạng I.

Theo đó, viên chức tư vấn học sinh hạng III có nhiệm vụ tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác tư vấn học sinh của nhà trường và báo cáo định kỳ, thường xuyên theo quy định; quản lý, theo dõi hệ thống hồ sơ, sổ sách liên quan đến công tác tư vấn học sinh; thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho học sinh khi gặp vấn đề khó khăn ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất.

Viên chức tư vấn học sinh cũng có nhiệm vụ chủ trì phối hợp với giáo viên, nhân viên trong nhà trường, các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường tổ chức đánh giá, rà soát phòng ngừa và thực hiện các hoạt động tư vấn học sinh (bao gồm cả tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm hay tư vấn tập thể) thông qua các hình thức tư vấn trực tiếp, tư vấn gián tiếp hoặc trực tuyến; phối hợp với giáo viên trong các hoạt động giáo dục học sinh liên quan đến công tác tư vấn…

Về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, viên chức tư vấn học sinh hạng III phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành đào tạo thuộc một trong các ngành Tâm lý học, Công tác xã hội, Xã hội học, Đào tạo giáo viên theo chuyên ngành tương ứng với cấp học được tuyển dụng, phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh theo quy định.

Về chuyên môn nghiệp vụ, viên chức tư vấn viên học sinh phải có khả năng biết được đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi, sức khoẻ học sinh, nhận diện được tính đa dạng và tính nhạy cảm của đối tượng cần tư vấn, hỗ trợ; có khả năng xây dựng và thực hiện các nội dung, chương trình tư vấn học sinh nhằm góp phần hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất; có hiểu biết về kiến thức pháp luật, tâm lý, xã hội và các kiến thức khác có liên quan đến công tác tư vấn học sinh để áp dụng thực hiện trong hoạt động nghề nghiệp; có kỹ năng sư phạm và ứng dụng công nghệ thông tin; có khả năng phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ học sinh.

Viên chức tư vấn viên học sinh phải có khả năng biết được đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi, sức khoẻ học sinh. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Viên chức tư vấn học sinh hạng II và hạng I có thêm các yêu cầu cao hơn so với hạng III về nhiệm vụ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Trước đó, tháng 12/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo phổ thông.

Theo đó, lần đầu tiên ngành giáo dục được bố trí 1 người vào vị trí việc làm tư vấn học sinh trong mỗi trường học, từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông. Trường hợp không bố trí được biên chế thì trường ký hợp đồng lao động hoặc bố trí giáo viên kiêm nhiệm.

Nhân viên tư vấn học sinh hay nhân viên tư vấn tâm lý học đường là vấn đề đã được ngành giáo dục đặt ra từ nhiều năm nay nhưng do chưa có chính thức trong danh sách vị trí việc làm tại các nhà trường nên chỉ một số ít các trường, nhất là các trường ngoài công lập triển khai được hoạt động này.

Trong bối cảnh các vấn đề tâm lý học sinh ngày càng phức tạp hơn, tác động xã hội đến môi trường học ngày càng lớn hơn, hàng loạt vụ bạo lực học đường diễn ra ở nhiều nhà trường trên cả nước gây bức xúc trong dư luận, vấn đề cần có nhân viên tư vấn học sinh càng được đặt ra bức thiết hơn.

Vì vậy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức đưa nhân viên tư vấn học sinh vào danh sách vị trí việc làm được kỳ vọng sẽ giúp học sinh có kênh hỗ trợ tâm lý, giảm bớt các vấn đề tiêu cực trong trường học./.