Dự thảo Luật Nhà giáo: Tăng lương, tăng phụ cấp, giảm tuổi nghỉ hưu cho nhà giáo

Dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều chính sách hỗ trợ cho nhà giáo như tăng lương, tăng phụ cấp, có thể giảm tuổi nghỉ hưu 5 năm so với các ngành nghề khác. 

Dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều chính sách hỗ trợ cho giáo viên. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Nhà giáo công lập là viên chức đặc biệt; không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền, giáo viên mầm non được về hưu trước 5 năm so với tuổi nghỉ hưu mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi; giao quyền chủ động cho cơ quan quản lý ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo… Đây là những điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV.

Nhà giáo công lập là viên chức đặc biệt

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức đặc biệt. Nhà giáo công lập vẫn là viên chức, thực hiện các quy định của Luật viên chức (tuyển dụng, sử dụng, quản lý, hệ thống thang bảng lương…) và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đồng thời chịu sự điều chỉnh của các quy định đặc thù đối với nhà giáo tại Luật này. Nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài là người lao động đặc biệt, áp dụng theo quy định của Bộ luật Lao động và thêm những quy định đặc thù của nhà giáo tại luật này.

Với tinh thần đó, dự thảo Luật Nhà giáo qua các phiên bản đã có sự điều chỉnh theo hướng ngắn gọn, thống nhất với Luật Viên chức và Bộ Luật Lao động trong một số quy định, đồng thời thiết kế các nội dung chính sách riêng cho nhà giáo. Luật Nhà giáo kiến tạo một số chính sách mới, chính sách đột phá để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo, giúp nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến với nghề; đảm bảo sự thống nhất trong quản lý nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo, lấy đó làm yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.

Để tăng cường bảo vệ nhà giáo, ngoài quy định rõ hơn những việc nhà giáo không được làm, dự thảo Luật Nhà giáo quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo, bao gồm: không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định; công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo; các việc khác không được làm theo quy định của pháp luật.

Giờ học của giáo viên và học sinh Trường Trung học phổ thông Ỷ La, thành phố Tuyên Quang. (Ảnh: TTXVN phát)

Một số ý kiến băn khoăn về quy định không được “công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo” vì cho rằng quy định này sẽ vướng các quy định về thông tin, phát ngôn và “bênh vực” nhà giáo.

Tuy nhiên, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo – đơn vị soạn thảo dự thảo Luật Nhà giáo - quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay. Nhà giáo nếu có sai phạm đã có các chế tài xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nếu không có phương án bảo vệ nhà giáo thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là nhà giáo mà còn là người học.

Giao quyền chủ động tuyển dụng cho ngành giáo dục

Một trong những điểm mới quan trọng trong dự thảo Luật Nhà giáo là giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.

Các cơ quan quản lý giáo dục dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo. Dự thảo Luật quy định việc bổ nhiệm do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu hoặc quyết định hoặc công nhận theo thẩm quyền được giao.

Liên quan đến vấn đề tuyển dụng, dự thảo Luật Nhà giáo cũng đặt ra yêu cầu phương thức tuyển dụng thông qua xét tuyển hoặc thi tuyển đều phải có thực hành sư phạm nhằm gia tăng chất lượng chuyên môn, lựa chọn được đúng người vào nghề.

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định tường minh hơn về các tình huống sử dụng nhà giáo gắn với đặc trưng cấp học và trình độ đào tạo bao gồm: điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp. Theo đó, không thực hiện điều động nhà giáo đối với nhà giáo nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà giáo có vợ hoặc chồng đang làm nhiệm vụ ở vùng biên giới, hải đảo trừ trường hợp nhà giáo có nguyện vọng.

Nâng phụ cấp, tiền lương

Tại dự thảo, các quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ nhà giáo được quy định đầy đủ, theo hướng gia tăng các chính sách đãi ngộ để nhà giáo yên tâm công tác.

Cụ thể, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật. Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác. Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điều chỉnh về tuyển dụng giáo viên. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh trừ khi có thỏa thuận khác.

Tăng chính sách thu hút, linh hoạt tuổi nghỉ hưu

Dự thảo luật mới bổ sung, làm rõ một số chính sách thu hút đối với nhà giáo. Theo đó, nhà giáo được hưởng phụ cấp và trợ cấp thu hút; bảo đảm chỗ ở tập thể có đủ điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ trong đào tạo, bồi dưỡng.

Các chính sách thu hút được kỳ vọng sẽ giúp nhà giáo yên tâm với nghề, nhất là nhà giáo tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà các chính sách hiện hành của nhà nước chưa đáp ứng được.

Cũng theo dự thảo luật, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sỹ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn. Chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn được thực hiện khi cơ sở giáo dục có nhu cầu, nhà giáo có đủ sức khỏe, tự nguyện.

Khi thực hiện chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhà giáo không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Thời gian làm việc khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không quá 5 năm đối với nhà giáo có trình độ tiến sỹ, không quá 7 năm đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư, không quá 10 năm đối với nhà giáo có chức danh giáo sư.

Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính sách nghỉ hưu được thiết kế riêng nhằm đáp ứng đặc điểm hoạt động nghề nghiệp, đồng thời phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm của nhà giáo./.