Dự kiến Chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Tổng Thư ký Quốc hội kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội giám sát tối cao 1 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 9 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 1 chuyên đề tại phiên họp tháng 8/2025.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, sáng 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, dự kiến Chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đạt hiệu quả, kết quả tích cực.
Trên cơ sở báo cáo của các Đoàn giám sát, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 4 nghị quyết về giám sát chuyên đề. Một trong những điểm mới là khác với hoạt động giám sát thông thường nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, năm 2023, lần đầu tiên Quốc hội thực hiện giám sát đồng thời 3 chương trình mục tiêu quốc gia ngay trong giai đoạn triển khai thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Đặc biệt, trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Năm 2024, Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội” ngay sau khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua để góp phần đưa các luật này sớm đi vào cuộc sống.
Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành cẩn trọng, bảo đảm nghiêm túc, theo quy định của pháp luật. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm giúp cho những người được lấy phiếu tín nhiệm thấy rõ mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng tiếp tục rèn luyện, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác, phấn đấu hoàn thành tốt hơn trọng trách được Đảng, Quốc hội và nhân dân tin tưởng giao phó; đồng thời là một kênh thông tin quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá cán bộ.
Hoạt động xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ 6 được triển khai với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa. Quốc hội đã dành 2,5 ngày để xem xét và tiến hành chất vấn việc thực hiện của các cơ quan liên quan tới 21 lĩnh vực được nêu trong 10 nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và đầu nhiệm kỳ khóa XV. Đây là lần đầu trong nhiệm kỳ khóa XV và là lần thứ tư trong các nhiệm kỳ Quốc hội triển khai hoạt động này.
Việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện một cách thực chất, trách nhiệm, hiệu quả, được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng với nhiều yêu cầu đổi mới theo hướng trọng tâm, tập trung vào các vấn đề lớn và quan trọng, nêu bật được các vấn đề cụ thể. Lần đầu tiên Quốc hội tổ chức thảo luận tại hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; đồng thời, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này, Quốc hội tiến hành thảo luận Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.
Về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, là năm các địa phương tiến hành tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 và là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại khác của đất nước.
Đồng thời, năm 2025 cũng là năm cuối nhiệm kỳ, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong cả nhiệm kỳ.
Sau khi cân nhắc nhiều mặt và theo thông lệ của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV, để tạo điều kiện cho các cơ quan tập trung triển khai các nhiệm vụ nêu trên và các nhiệm vụ lập pháp theo kế hoạch, đồng thời để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2025, Tổng Thư ký Quốc hội kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội giám sát tối cao 1 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 9 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 1 chuyên đề tại phiên họp tháng 8/2025.
Có 3 chuyên đề được Tổng Thư ký Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định lựa chọn 2 chuyên đề. Đó là chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; chuyên đề 2: Việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là nhân lực chất lượng cao; chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và phát triển du lịch.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ phiếu, quyết định chọn chuyên đề 1 và chuyên đề 2 để trình Quốc hội lựa chọn 1 chuyên đề giám sát tối cao và 1 chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện trong năm tới. Theo dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua chương trình giám sát năm 2025 tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng Năm tới.
Tổ chức lại Trung tâm Tin học thành Cục Công nghệ Thông tin và Dữ liệu Kiểm toán
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tổ chức lại Trung tâm Tin học thành Cục Công nghệ Thông tin và Dữ liệu Kiểm toán thuộc Kiểm toán Nhà nước.
Tán thành với phương án tổ chức lại Trung tâm Tin học thành Cục Công nghệ Thông tin và Dữ liệu Kiểm toán, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật phân tích, theo Tờ trình của Tổng Kiểm toán Nhà nước, việc tổ chức lại này không làm tăng thêm đầu mối (vẫn giữ nguyên tổng số 32 đơn vị trực thuộc như hiện nay); không làm tăng biên chế hành chính mà còn giảm số biên chế sự nghiệp theo chỉ tiêu biên chế của Kiểm toán Nhà nước đã được cơ quan có thẩm quyền giao giai đoạn 2022-2026.
Việc tổ chức lại như vậy phù hợp với chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và không thuộc trường hợp phải báo cáo Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, vận dụng các văn bản của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thì Trung tâm Tin học của Kiểm toán Nhà nước đáp ứng điều kiện để tổ chức lại thành Cục thực hiện chức năng quản trị nội bộ; đáp ứng các tiêu chí thành lập Cục quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP của Chính phủ (đã sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 101/2020/NĐ-CP). Do đó, việc tổ chức lại Trung tâm Tin học thành Cục theo đề xuất của Kiểm toán Nhà nước là phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội.
Việc chuyển đổi mô hình từ Trung tâm Tin học thành Cục Công nghệ Thông tin và Dữ liệu Kiểm toán nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước trong giai đoạn phát triển mới là phù hợp với mục tiêu đã được xác định tại Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030.
Mô hình tổ chức Cục cũng tương đồng với mô hình tổ chức đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của một số bộ, ngành hiện nay; đồng thời, có sự tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin tại Cơ quan kiểm toán tối cao của một số nước.
Tại phiên họp, các ý kiến đồng tình với việc tổ chức lại Trung tâm Tin học thành Cục Công nghệ Thông tin và Dữ liệu Kiểm toán. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng tên và điều khoản trong nghị quyết cần rà soát lại, chặt chẽ, tên gọi của Cục cần ngắn gọn, là Cục Công nghệ Thông tin thuộc Kiểm toán Nhà nước./.