Dù có dấu hiệu khởi sắc, các ngân hàng vẫn thận trọng với chỉ tiêu 2024
Các chuyên gia dự báo cho vay doanh nghiệp tiếp tục là động lực dẫn dắt tín dụng trong năm 2024, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Đến thời điểm hiện tại chưa có nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh nhưng sơ bộ cho thấy đã có sự phân hóa mạnh giữa ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ. Bên cạnh đó, dù thu về hàng tỷ USD lợi nhuận trước thuế năm 2023, song trước bối cảnh thị trường còn khó khăn nhất định, các ngân hàng vẫn thận trọng với chỉ tiêu cho năm 2024.
Nhiều ngân hàng vẫn "dè dặt"
Tính đến thời điểm hiện tại, cả 4 ngân hàng có vốn Nhà nước gồm BIDV, Vietcombank, Agribank, VietinBank đều đã công bố kết quả kinh doanh năm 2023. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, cả 4 ngân hàng này đều ghi nhận lợi nhuận đạt hoặc vượt mốc 1 tỷ USD.
Đến thời điểm này, tạm dẫn đầu là Vietcombank, dù không có con số cụ thể nhưng trong báo cáo của ngân hàng này công bố "lợi nhuận trước thuế hoàn thành kế hoạch được giao." Trong khi năm 2022, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất 37.368 ỷ đồng. Vậy, số lãi trước thuế ước tính năm 2023 khoảng 40.000 tỷ đồng.
Tiếp đến là BIDV, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 26.750 tỷ đồng; trong đó lợi nhuận trước thuế khối công ty con đạt 1.290 tỷ đồng, khối liên doanh đạt 945 tỷ đồng. Tính chung, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỷ đồng, tăng 18,8% so với năm 2022.
Đại diện Ngân hàng Agribank cho biết đến cuối năm 2023, lợi nhuận trước thuế ước đạt 25.300-25.400 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của Agribank. Còn VietinBank cũng công bố đã hoàn thành kế hoạch được giao. Theo kế hoạch kinh doanh năm 2023, VietinBank đặt mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ trước thuế đạt 22.500 tỷ đồng.
Một số ngân hàng khác cũng có kết quả lợi nhuận khả quan như MB công bố lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 26.200 tỷ đồng, tăng 15% so với năm ngoái và hoàn thành 100% kế hoạch năm.
Tiếp đến, lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm 2023 Sacombank ước đạt hơn 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so với năm trước. Ngân hàng này cho biết đã xử lý ước đạt gần 7.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, nâng tổng mức thu hồi lũy kế lên gần 95.000 tỷ đồng. LPBank cũng công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2023 với lợi nhuận vượt 7.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước.
Trong khi đó, lãnh đạo PVCombank cho biết năm 2023, ngân hàng này ước hoàn thành 129% kế hoạch doanh thu và 100% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lớn hơn 8%.
Dù không tiết lộ con số cụ thể, nhưng năm qua, PVCombank đặt mục tiêu doanh thu ngân hàng mẹ đạt 15.024,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 80 tỷ đồng. Với ngân hàng hợp nhất, kế hoạch doanh thu là 15.559,4 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 109 tỷ đồng.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh nhận định các yếu tố hỗ trợ bao gồm kết quả kinh doanh quý 4/2023 tích cực hơn kỳ vọng, nền định giá duy trì ở mặt bằng thấp trong thời gian dài (khoảng 1 năm), và xuất hiện các thông tin liên quan đến việc sửa đổi một số thông tư tạo điều kiện mở rộng hoạt động cho vay cũng như cơ cấu nợ vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Còn lãnh đạo Công ty Chứng khoán VNDirect cũng nhận định, nguyên nhân khiến lợi nhuận một số ngân hàng tăng là do chi phí vốn của các ngân hàng tiếp tục giảm trong quý 4/2023 nhờ tiền gửi chi phí thấp chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu nguồn vốn.
Bên cạnh đó vẫn có những ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh, tăng trưởng lợi nhuận âm so với cùng kỳ năm trước như: ABBank giảm 59,6%; Eximbank giảm 46,5%; VietABank giảm 25,7%...
Dù lợi nhuận có tăng nhưng trong năm 2024 mốt số ngân hàng vẫn thận trọng với chỉ tiêu. BIDV và VietinBank đưa ra một số chỉ tiêu chính như dư nợ tín dụng điều hành theo giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, dự kiến tăng 14%; huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản, hiệu quả; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức bằng hoặc thấp hơn từ 1,4%-1,8%... còn chỉ tiêu lợi nhuận vẫn được hai ngân hàng này bỏ ngỏ.
Duy chỉ có Vietcombank đặt mục tiêu lãi năm nay gần 2 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2023, lên khoảng hơn 44.000 tỷ đồng, trong khi đó năm trước ngân hàng này đăt mục tiêu tăng 12%.
Ngoài ra Vietcombank cũng đặt mục tiêu tổng tài sản dự kiến tăng hơn 8%, tăng trưởng tín dụng trên 12%, trong đó huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tín dụng. Nợ xấu dự kiến dưới 1,5%. Từ đầu năm, ngân hàng này được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, cao hơn trung bình ngành (15%).
Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại cổ phần vẫn chưa đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2024.
Vẫn có những dấu hiệu khởi sắc
Trong báo cáo triển vọng năm 2024, Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) đã chỉ ra loạt dấu hiệu cho thấy ngành Ngân hàng sẽ khởi sắc vào năm 2024. Những tín hiệu này bao gồm sự phục hồi của nền kinh tế và nhu cầu tín dụng, rủi ro hệ thống giảm bớt, tiền gửi không kỳ hạn đi lên, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tạo đáy và triển vọng lợi nhuận khả quan hơn.
MASVN dự báo cho vay doanh nghiệp tiếp tục là động lực dẫn dắt tín dụng trong năm 2024. Ngân hàng Nhà nước công bố mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 15% và phân bổ cho từng ngân hàng từ rất sớm. Dựa trên kỳ vọng vĩ mô khởi sắc hơn cả ở trong nước và quốc tế vào năm 2024, MASVN cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng như trên là khả thi và đặc biệt không ẩn chứa quá nhiều rủi ro về sau.
Vì vậy, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng dự báo với mức nền thấp của năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 sẽ tương đối khả quan. Lợi nhuận sau thuế của 12 ngân hàng (gồm ACB, Sacombank, BIDV, VietinBank, HDBank, MB, OCB, Techcombank, TPBank, Vietcombank, VPBank, VIB) mà MBS đang theo dõi dự phóng tăng 25,1% trong năm 2024. Trong đó, Sacombank tăng 73,4% lên 12.279 tỷ đồng; VPBank tăng 40,4% lên 17.772 tỷ đồng và OCB tăng 34,1% lên 6.247 tỷ đồng...
Tuy nhiên, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh lai nhận định, tăng trưởng tín dụng và nợ xấu là hai yếu tố chính tác động đến hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2024. Cả hai yếu tố này đều phụ thuộc vào sự hồi phục của nền kinh tế cùng với tác động từ cách thức điều hành chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
“Theo đó, nếu các ngân hàng trung ương trên thế giới đảo chiều chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng, tăng trưởng kinh tế trong nước phục hồi, thì nợ xấu sẽ giảm và tăng trưởng tín dụng khả quan, tác động tích cực lên hoạt động của ngành Ngân hàng trong năm 2024. Nếu ngược lại, thì sẽ còn khó khăn,” ông Huân nhấn mạnh/.