Đồng yen xuống giá, BoJ nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất
BoJ đã dừng chính sách tiền tệ nới lỏng là nguyên nhân khiến đồng yen yếu, bao gồm việc áp dụng lãi suất âm và trần lợi suất, khi tăng trưởng lương mạnh đã làm tăng lòng tin rằng lạm phát sẽ ổn định.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) được nhận định rộng rãi là sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp trong hai ngày 25-26/4, một tháng sau khi tăng lãi suất lần đầu tiên trong 17 năm, dù đồng yen xuống giá làm tăng áp lực lạm phát do giá hàng nhập khẩu.
Ủy ban Chính sách của BoJ đã chuyển sang sử dụng lãi suất ngắn hạn làm công cụ chính sách chính trong tháng trước, áp dụng mức 0-0,1%.
BoJ đã dừng chính sách tiền tệ nới lỏng là nguyên nhân khiến đồng yen yếu, bao gồm việc áp dụng lãi suất âm và trần lợi suất, khi tăng trưởng lương mạnh đã làm tăng lòng tin rằng lạm phát sẽ ổn định.
Đồng yen đã tiếp tục giảm so với đồng USD, xuống mức thấp nhất trong hơn 3 thập kỷ, xuống dưới ngưỡng 155 yen/USD, dù các quan chức Nhật Bản nhiều lần cảnh báo sẽ can thiệp để đẩy giá đồng nội tệ lên.
Đồng yen xuống giá làm tăng giá trị lợi nhuận ở nước ngoài của các công ty xuất khẩu của Nhật Bản khi chuyển về nước, nhưng đồng thời làm tăng giá hàng nhập khẩu.
Tác động tiêu cực từ việc đồng yen xuống giá trở nên rõ ràng hơn trong thời gian gần đây, khi giá hàng nhập khẩu tăng mạnh đã kéo lạm phát của Nhật Bản lên. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến việc các công ty tăng lương để hỗ trợ các gia đình đối phó với việc chi phí sinh hoạt tăng.
BoJ cho biết sẽ không định hướng chính sách tiền tệ để kiểm soát tỷ giá, nhưng Thống đốc BoJ Kazuo Ueda nói sẽ cân nhắc việc điều chỉnh chính sách nếu tác động của việc đồng yen yếu đối với lạm phát là không thể bỏ qua.
BoJ được cho là sẽ đánh giá tình hình thị trường tài chính và nền kinh tế thời gian gần đây và công bố các dự báo mới về tăng trưởng và lạm phát.
Mức dự báo lạm phát tài khóa 2024 và 2025 có thể được điều chỉnh tăng từ các mức tương ứng 2,4% và 1,8%.
Báo cáo công bố trước đó cho thấy chi tiêu của các hộ gia đình Nhật Bản trong tháng 2/2024 đã giảm 0,5% so với cùng kỳ một năm trước đó, đánh dấu tháng giảm thứ 12 liên tiếp do lạm phát cao dai dẳng khiến người dân phải giảm bớt chi tiêu tùy ý.
Mức giảm trên đã thu hẹp so với con số giảm 6,3% trong tháng trước đó, cũng như yếu hơn đáng kể so với dự báo giảm 2,9% của thị trường.
So theo tháng, chi tiêu của các hộ gia đình Nhật Bản đã tăng 1,4% so với tháng Một, lần tăng đầu tiên kể từ tháng 9/2023 tới nay.
Theo giới quan sát, báo cáo cho thấy tác động của việc tăng giá liên tục đối với cách thức chi tiêu của người dân Nhật Bản.
Thước đo quan trọng về lạm phát tiêu dùng trên toàn quốc đã dao động ở mức bằng hoặc cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) trong gần hai năm.
Ngay cả khi người lao động đã đạt được mức tăng lương lớn trong năm tài chính vừa qua (kết thúc vào tháng 3/2024), tiền lương thực tế vẫn giảm trong 22 tháng liên tiếp. Nhưng quỹ đạo đó có thể thay đổi vào cuối năm nay.
Các cuộc đàm phán về lương hàng năm trong mùa Xuân này đang đi đúng hướng và giúp người lao động đạt được mức tăng lương hơn 5% - mức cao nhất trong hơn ba thập kỷ.
Với tốc độ đó, mức tăng lương sẽ vượt xa lạm phát vốn được các nhà kinh tế dự báo sẽ giảm xuống 2,3% vào năm 2024.
Những cam kết mạnh mẽ về tăng lương là yếu tố then chốt trong quyết định của BoJ vào tháng trước.
Ngân hàng trung ương này đã chấm dứt chính sách lãi suất âm với lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2007 tại cuộc họp giữa tháng Ba.
Giới quan sát nhận định BoJ có thể tiến hành một đợt tăng lãi suất khác vào đầu tháng Bảy tới./.