Đồng yen giảm xuống mức 'đáy' 24 năm so với đồng USD

Tomoichiro Kubota, nhà phân tích thị trường cấp cao cho rằng, thị trường có thể chứng kiến mức giảm về 147 yen/USD, từng ghi nhận vào năm 1998."

Kiểm tiền mệnh giá 10.000 yen tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 7/9, đồng yen của Nhật Bản đi xuống tại thị trường Tokyo và chạm mức thấp nhất trong 24 năm là 144,38 yen/USD, khi thị trường tiền tệ phản ứng với suy đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không ngừng tăng lãi suất sau khi nền kinh tế Mỹ đón nhận một vài số liệu lạc quan.

Sau khi đứng ở mức 143 yen/USD tại thị trường New York phiên trước, đồng USD tiếp tục mạnh lên tại thị trường Tokyo trong phiên 7/9, do dữ liệu từ Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ về lĩnh vực phi sản xuất của nước này mạnh hơn dự kiến, làm tăng khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ.

Việc tăng lãi suất mạnh hơn sẽ dẫn đến chênh lệch lãi suất Mỹ-Nhật ngày càng gia tăng do Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng.

Đồng yen tiếp tục giảm giá bất chấp các quan chức Chính phủ Nhật Bản ra tín hiệu nước này có thể can thiệp nếu đồng nội tệ tiếp tục giảm nhanh.

[Nhật Bản cảnh giác trước việc đồng yen mất giá kỷ lục trong 24 năm qua]

Tomoichiro Kubota, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Matsui Securities Co., cho biết thị trường “phớt lờ” cảnh báo của Chính phủ, bởi họ cho rằng "thiếu tính chi tiết."

Ông Kubota nói thêm rằng, thị trường có thể chứng kiến mức giảm về 147 yen/USD, từng ghi nhận vào năm 1998.

Điểm đáng chú ý được các chuyên gia chỉ ra trong xu hướng giảm giá của đồng yen hiện nay đó là tỷ giá của đồng yen đối với các ngoại tệ khác ngoài đồng USD.

Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 5/9, tỷ lệ giảm giá tiền tệ của các quốc gia trên thế giới so với đồng USD là euro (14%), bảng Anh (17%), nhân dân tệ (10%), trong khi đồng yen của Nhật Bản giảm tới 22%, mức giảm cao nhất trong số các nước phát triển.

Không chỉ giảm giá so với đồng USD, đồng yen còn giảm giá so với đồng tiền của các quốc gia đang phát triển như đồng baht Thái Lan (10%), rupee của Ấn Độ (14%), real của Brazil (32%), ruble của Nga (50%).

Có thể thấy, đồng yen đang chịu ảnh hưởng khi các quốc gia Âu-Mỹ quyết tâm tiếp tục thắt chặt tiền tệ để kiểm soát tình trạng lạm phát tăng cao, BoJ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ và đồng tiền của các quốc gia sở hữu nhiều tài nguyên như Nga, Brazil được hưởng lợi khi giá hàng hóa tăng cao do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Ukraine.

Động lực mua vào đồng USD so với các đồng tiền khác có thể tiếp tục với việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có khả năng tăng lãi suất vào ngày 8/9 để kiềm chế lạm phát gia tăng trong khu vực, một động thái sẽ gây thêm sức ép lên nền kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)./.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)