Đồng USD suy yếu tạo lực đẩy cho thị trường vàng và dầu châu Á
Chiều 4/1, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 0,3%, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc tăng 0,7%, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 0,9%.
Giá vàng tăng do đồng USD suy yếu
Giá vàng tăng tại châu Á trong phiên chiều 4/1 do đồng USD suy yếu, trong khi giới đầu tư đang chờ đợi thêm các số liệu của Mỹ để đoán định động thái tiếp theo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về chính sách tiền tệ.
Vào lúc 14 giờ theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 2.047,19 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 21/12 trong phiên trước. Giá vàng kỳ hạn tăng 0,6% lên 2.054,50 USD/ounce.
Phiên này, chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt giảm 0,1%, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Chuyên gia phân tích thị trường tài chính Kyle Rodda của trang Capital.com nhận định trong những ngày tới, vàng sẽ chịu áp lực giảm giá khi những đồn đoán về khả năng Fed sớm hạ lãi suất trong năm nay giảm xuống.
Biên bản cuộc họp tháng Mười của Fed cho thấy các quan chức của ngân hàng này tin rằng lạm phát đang nằm trong tầm kiểm soát, nhưng vẫn chưa chắc chắn về triển vọng lãi suất.
Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường đang dự đoán xác suất Fed hạ lãi suất vào tháng Ba tới là 72%, thấp hơn nhiều so với mức 90% một tuần trước.
Lo ngại về nguồn cung ở Trung Đông hỗ trợ giá dầu
Giá dầu tăng tại châu Á trong phiên giao dịch chiều 4/1, trước những lo ngại về nguồn cung ở Trung Đông sau những gián đoạn tại một mỏ dầu ở Libya và tình hình chiến sự ở Israel.
Vào lúc 14 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 53 xu Mỹ, hay 0,7%, lên 78,78 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 66 xu Mỹ, hay 0,9% lên 73,36 USD/thùng.
Ngày 3/1, mỏ dầu Sharara ở Libya đã phải đóng cửa hoàn toàn do các cuộc biểu tình. Mỏ dầu lớn nhất Libya này có thể sản xuất lên đến 300.000 thùng/ngày.
Bên cạnh đó, tình hình chiến sự ở Israel và những bất ổn với hoạt động vận tải biển ở khu vực Biển Đỏ cũng có những diễn biến leo thang.
Ngoài ra, thị trường dầu còn được hỗ trợ bởi số liệu từ Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho thấy lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã giảm 7,4 triệu thùng trong tuần trước, cao gấp đôi mức giảm dự báo được đưa ra trong cuộc khảo sát trước đó của hãng tin Reuters.
Chứng khoán châu Á nối dài đà giảm đầu năm
Các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên chiều 4/1, sau khi biên bản cuộc họp tháng trước của Fed đẩy lùi những kỳ vọng rằng ngân hàng này sẽ sớm hạ lãi suất.
Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 0,5% xuống 33.288,29 điểm. Còn tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng ở Hong Kong giảm xuống 16.645,98 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải để mất 0,4% xuống 2.954,35 điểm.
Chứng khoán toàn cầu đã không giữ được đà tăng trong những phiên đầu năm do những lo ngại rằng xu hướng mua vào có thể đã quá mức và nhà đầu tư giữ tâm lý "án binh."
Áp lực bán ra này gia tăng trong phiên 3/1 khi biên bản cuộc họp tháng trước của Fed cho thấy các quan chức của ngân hàng này dự kiến sẽ giữ lãi suất ở mức cao thêm một thời gian để chắc chắn rằng lạm phát đã được kiểm soát.
Điều này đã khiến niềm tin của giới giao dịch sụt giảm. Trước đó, các nhà đầu tư vẫn dự đoán Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng Ba tới, sau khi thông báo sau cuộc họp tháng trước của Fed cho thấy ngân hàng này dự đoán sẽ hạ lãi suất ba lần trong năm 2024./.