Đồng USD mạnh lên đẩy giá vàng rời khỏi mức cao kỷ lục trước đó
Mặc dù rời khỏi mức cao kỷ lục nhưng vàng vẫn duy trì được mức giá 2.400 USD/ounce nhờ nhu cầu đầu tư an toàn và triển vọng lãi suất Mỹ giảm trong năm nay.
Phiên ngày 21/5, giá vàng thế giới rời khỏi mức cao kỷ lục ghi nhận được trong phiên trước đó do đồng USD giữ vững.
Tuy vậy, vàng vẫn duy trì được mức giá 2.400 USD/ounce nhờ nhu cầu đầu tư an toàn và triển vọng lãi suất Mỹ giảm trong năm nay.
Khoảng 0 giờ 56 phút sáng ngày 22/5, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 2.420,49 USD/ounce, khi chỉ số đồng USD tăng nhẹ, khiến kim loại quý này trở nên đắt đỏ hơn cho những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,5% xuống 2.425,90 USD/ounce.
Dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát của Mỹ đã quay trở lại xu hướng giảm, tuy nhiên một số nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn thận trọng về việc cắt giảm lãi suất quá sớm, nhưng loại trừ khả năng cần tăng lãi suất.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, các nhà đầu tư có xu hướng đầu tư vào vàng, một tài sản trú ẩn an toàn, giữa lúc chính phủ đang nỗ lực ổn định lĩnh vực bất động sản đang khủng hoảng.
Nhà phân tích Rhona O'Connell của StoneX cho biết vai trò quan trọng của vàng là giảm thiểu rủi ro về tài chính, địa chính trị hay biến động. Điều đó không mới, nhưng giờ đây mọi người đã nhận thức được điều đó.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, các quỹ giao dịch vàng (ETF) trên toàn cầu đã chứng kiến dòng vốn ròng chảy vào trị giá 1 tỷ USD trong tuần trước, mức ròng chảy vào hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 10/2023.
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi biên bản cuộc họp chính sách gần đây nhất của Fed dự kiến công bố ngày 22/5.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,2% lên 31,90 USD/ounce sau khi đạt mức cao nhất trong hơn 11 năm trong phiên trước. Giá bạch kim tăng 0,7% lên 1.054,00 USD/ounce và giá palladium giảm 0,1% xuống 1.025,43 USD/ounce.
Tại thị trường Việt Nam, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 88,6-90,62 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra)./.