Dòng tiền nhàn rỗi vẫn chảy mạnh vào ngân hàng dù lãi suất xuống thấp
Lãnh đạo ngân hàng dự báo xu hướng giảm lãi suất trong 2 tháng cuối năm vẫn có thể xảy ra nhưng mức độ giảm không mạnh như giai đoạn trước, bởi nhu cầu tín dụng khôi phục cuối năm do yếu tố mùa vụ.
Dữ liệu mới được Ngân hàng Nhà nước cập nhật ngày 26/10 cho thấy dòng tiền nhàn rỗi của người dân tiếp tục chảy vào ngân hàng bất chấp lãi suất liên tục được điều chỉnh giảm. Có ngân hàng ghi nhận huy động vốn dân cư tăng tới 60% trong 9 tháng.
Cụ thể, cuối tháng 8/2023, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đạt hơn 12,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 147.000 tỷ đồng so với cuối tháng Bảy và tăng hơn 627.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Theo đó, tăng trưởng huy động tiền gửi của hệ thống trong Tám tháng đầu năm đạt 5,31%.
[Thủ tướng yêu cầu tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng]
Trong đó, số dư tiền gửi của khách hàng dân cư cuối tháng 8 là hơn 6,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 43.700 tỷ đồng so với tháng Bẩy đồng thời đánh dấu chuỗi 21 tháng tăng trưởng dương liên tiếp. Từ đầu năm đến hết tháng Tám, tiền gửi của người dân đã tăng tới 11,8%.
Số dư tiền gửi của doanh nghiệp đạt hơn 6 triệu tỷ đồng, tăng hơn 103.000 tỷ đồng so với tháng Bẩy, có sự phục hồi trở lại sau khi sụt giảm trong tháng Bảy.
Cho tới nay, lãi suất ngân hàng đã tiếp tục giảm thêm từ 0,47 điểm % tới 0,62 điểm % tại từng nhóm ngân hàng. Tính đến ngày 25/10, lãi suất huy động của ngân hàng thương mại Nhà nước kỳ hạn 12 tháng đang là 5,25%/năm, trong khi tại các ngân hàng thương mại lớn là 5,28%, còn nhóm ngân hàng thương mại nhỏ ghi nhận lãi suất tiền gửi 5,63%.
Việc tiền gửi tăng lên trong khi tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với cùng kỳ đã gây ra tình trạng "thừa tiền" trong hệ thống ngân hàng, gây áp lực lên tỷ giá. Tính đến ngày 11/10, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 6,29%, thấp hơn mức 6,92% vào cuối tháng Chín và thấp đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 20/10 vừa qua, Vietcombank tiếp tục “châm ngòi” đã hạ lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trở lên xuống còn 5,1%/năm, thấp nhất trong lịch sử ngân hàng này. Agribank, VietinBank, BIDV cũng đang niêm yết lãi suất thấp nhất từ trước đến nay, chỉ 5,3%/năm cho tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng.
Tương tự ở các ngân hàng tư nhân lớn, lãi suất cũng liên tục lao dốc và xuống rất thấp. Trong đó, lãi suất huy động cao nhất của Techcombank, ACB chỉ còn 5,5%/năm. VPBank giảm xuống 5,4%/năm.
Cập nhật về kết quả kinh doanh mới đây, Techcombank cho biết tiền gửi khách hàng của nhà băng này tăng 14,1% trong 9 tháng đầu năm và tăng 7,1% trong quý 3/2023. Trong bối cảnh môi trường lãi suất đã bình thường trở lại và thanh khoản hệ thống dồi dào hơn nhưng khách hàng vẫn có xu hướng gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn vì các cơ hội đầu tư ở các loại tài sản hiện vẫn còn hạn chế, phần lớn là do lo ngại về những bất ổn trong triển vọng bức tranh kinh tế trong và ngoài nước quý 4 và năm sau.
VPBank cũng ghi nhận tiền gửi tăng trưởng rất mạnh trong năm nay. Huy động từ khách hàng tại ngân hàng mẹ VPBank tăng tới 35% trong 9 tháng, trong đó được thúc đẩy bởi các khách hàng cá nhân (tăng tới 60% so với đầu năm).
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) dự báo xu hướng giảm lãi suất trong 2 tháng cuối năm vẫn có thể xảy ra nhưng mức độ giảm không mạnh như giai đoạn trước, bởi nhu cầu tín dụng khôi phục cuối năm do yếu tố mùa vụ. Thứ hai là lãi suất hiện nay so với mặt bằng các năm đang ở mức khá thấp, nếu tiếp tục giảm nữa sẽ chạm vào ngưỡng lạm phát.
Ông Tùng phân tích, về nguyên tắc lãi suất phải thực dương, nghĩa là lãi suất huy động phải cao hơn mức lạm phát, vì vậy dự báo lãi suất sẽ đi ngang hoặc nếu giảm sẽ rất nhẹ.
Với động thái giảm lãi suất huy động mới đây của “ông lớn” Vietcombank ông Tùng nhận định, các ngân hàng quốc doanh có những tác động nhất định, riêng với OCB sẽ tuỳ thuộc vào diễn biến thị trường, sẽ quan sát để điều chỉnh phù hợp với thị trường./.