Đồng Tháp: Tạo vùng chuyên canh 161.000ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đưa diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh đến năm 2030 là 161.000ha; trong đó, diện tích thực hiện năm 2024 là 20.000ha.
Thực hiện “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” tại tỉnh Đồng Tháp, tỉnh phấn đấu đưa diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh đến năm 2030 là 161.000ha; trong đó, diện tích thực hiện năm 2024 là 20.000ha.
Ông Nguyễn Phước Thiện cho biết mục tiêu ở tỉnh Đồng Tháp hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Đến năm 2030 tỉnh Đồng Tháp tại các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (SRP), các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.
Về tổ chức lại sản xuất tỉnh Đồng Tháp đưa 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; có tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích; trên 146.000 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.
Về thu nhập người trồng lúa ở tỉnh Đồng Tháp với giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 50%. Tỉnh Đồng Tháp còn xây dựng thương hiệu và xuất khẩu lượng gạo chất lượng cao và phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.
Cùng đó, việc canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Đồng Tháp vừa qua được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai thí điểm mô hình tại Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông, với diện tích canh tác lúa chất lượng cao là 50 ha. Tiếp theo đó tỉnh Đồng Tháp triển khai thực hiện quy mô 20.000 ha, tập trung ở một số địa phương có vùng chuyên canh lúa tại các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Lấp Vò, Cao Lãnh và thành phố Hồng Ngự.
Thực hiện Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long, vừa qua huyện Tháp Mười đã phối hợp với Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp thực hiện mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP tại các Hợp tác xã Thắng Lợi, Đông Thành, Trường Phát và Hưng Thạnh.
Mô hình hướng dẫn cho nông dân về 41 tiêu chí sản xuất lúa SRP và hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký sản xuất. Hợp tác xã Thắng Lợi và Đông Thành thực hiện thêm mô hình ngập khô xen kẽ (AWP), đặt 60 ống cảm biến mực nước theo dõi mực nước. Mô hình cho năng suất hơn 6,5 tấn/ha, lợi nhuận từ 25-30 triệu đồng/ha.
Mô chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các tiêu chí khi Đồng Tháp tham gia đề án là diện tích liền mảnh tối thiểu là 50ha, có hệ thống bờ bao hoàn chỉnh, hệ thống tưới tiêu chủ động. Hạ tầng điện, viễn thông và hậu cần đảm bảo hỗ trợ tốt cho sản xuất, chế biến kinh doanh lúa gạo. Trên 70% diện tích canh tác lúa đã sử dụng giống lúa xác nhận hoặc tương đương. Đặc biệt, 100% hộ trong vùng cam kết thu gom rơm khỏi đồng ruộng để chế biến tái sử dụng. Tiêu chí về tổ chức sản xuất, tiêu chí về doanh nghiệp tham gia liên kết.
Hiện nay tỉnh Đồng Tháp xây dựng nhiều mô hình theo tinh thần Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao. Bước đầu, các mô hình nhận được sự quan tâm, đồng tình cao từ người dân, giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đảm bảo sức khỏe cho bà con, người tiêu dùng và môi trường./.