Đồng ruble Nga chạm đáy 11 tháng so với đồng USD và nhân dân tệ
Theo dữ liệu từ Sàn giao dịch chứng khoán London, đồng ruble giảm 0,4% so với đồng USD trong phiên 10/10, xuống còn 97,4 ruble đổi 1 USD và giảm 1,29% so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Giá trị đồng ruble của Nga tiếp tục sụt giảm trong phiên 10/10 và giao dịch quanh mức thấp nhất so với đồng USD và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc kể từ tháng 10/2023.
Theo dữ liệu từ Sàn giao dịch chứng khoán London (LSEG), đồng ruble đã giảm 0,4% so với đồng USD trong phiên này, xuống còn 97,4 ruble đổi 1 USD. Trước đó, vào ngày 9/10, đồng ruble đã rớt xuống mốc 97 ruble/USD lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm ngoái.
Cùng ngày, đồng nội tệ của Nga cũng giảm 1,29% so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, xuống mức thấp nhất trong vòng một năm là 13,65 ruble/nhân dân tệ. Trên Sàn giao dịch chứng khoán Moskva (MOEX), đồng ruble cũng giảm 0.18% so với đồng nhân dân tệ, giao dịch ở mức 13,71 ruble/nhân dân tệ.
Các nhà phân tích tại công ty môi giới tiền tệ BCS cho biết: "Đồng ruble một lần nữa chạm đáy mới trong năm nay, đẩy đà trượt giá của đồng nội tệ Nga vào mùa Thu năm nay lên tới gần 15%."
Nhiều chuyên gia nhận định sự suy yếu của đồng ruble là do nhiều yếu tố, trong đó có việc giấy phép của Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ hết hạn vào ngày 12/10. Giấy phép này cho phép các ngân hàng thương mại giao dịch với sàn MOEX.
Hồi tháng Sáu OFAC đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Sàn MOEX và Trung tâm thanh toán bù trừ quốc gia Nga (NCC). Động thái này khiến giao dịch bằng đồng USD và euro trên sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất của Nga bị dừng hoàn toàn. Tuy nhiên, giấy phép của OFAC cho phép một số giao dịch giữa sàn MOEX và NCC dần dần giảm bớt, thay vì dừng hoàn toàn.
Các lệnh trừng phạt này đã chặn đứng mọi giao dịch bằng USD và euro trên sàn MOEX, khiến đồng nhân dân tệ trở thành đồng ngoại tệ được giao dịch nhiều nhất ở Nga.
Nhưng khi giấy phép hết hiệu lực, các ngân hàng Trung Quốc e ngại về rủi ro trừng phạt thứ cấp khi giao dịch với các thực thể Nga.
Ngoài ra, các yếu tố khác gây áp lực lên đồng ruble bao gồm giá dầu giảm trong giai đoạn tháng 8-9, các nhà xuất khẩu Nga trì hoãn việc bán ngoại tệ do gặp khó khăn trong giao dịch quốc tế, cũng như sự gia tăng thanh toán xuyên biên giới bằng đồng ruble.
Mặc dù Chính phủ Nga đã tăng bán ngoại hối trong tháng 10 để hỗ trợ đồng ruble, nhưng động thái này là chưa đủ để bù đắp áp lực giảm giá./.