Dong riềng được mùa, được giá, làng miến Bình Lư tất bật vào vụ sản xuất

Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 cận kề, những cơ sở sản xuất miến dong nơi đây đang tất bật chuẩn bị phục vụ cho khách hàng khắp mọi miền Tổ quốc.

Miến dong Bình Lư được tỉnh Lai Châu đánh giá và công nhận là sản phẩm OCOP 3. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Sau gần một năm dày công chăm sóc, đến nay cây dong riềng đã đến thời điểm thu hoạch. Với người trồng dong riềng nói riêng và làng nghề làm miến nói chung thuộc xã Bình Lư, huyện Tam Đường (Lai Châu) thì niềm vui càng được nhân lên gấp bội bởi vụ mùa bội thu, được giá, đền đáp công sức vun trồng. Đặc biệt, Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 cận kề, những cơ sở sản xuất miến dong nơi đây đang tất bật chuẩn bị phục vụ cho khách hàng khắp mọi miền Tổ quốc.

Trong thời tiết se lạnh chớm đông xen lẫn mưa phùn, trên cánh đồng xã Bình Lư không khí lao động vẫn đang diễn ra hăng say. Vào vụ thu hoạch chính, trên khắp cánh đồng bản: Hoa Lư, Thèn Thầu, Vân Bình, Thống Nhất, bản Km2, Toòng Pẳn, nông dân tất bật thu hoạch dong riềng. Tiếng nói cười hòa lẫn niềm vui phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt của từng người về vụ dong riềng thắng lợi.

Người dân xã Tả Lèng thu hoạch dong riềng, nguyên liệu làm miến dong. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Gia đình ông Nguyễn Duy Hạnh (bản Km2, xã Bình Lư) làm miến từ những năm 1980. Trước đây, làm 2 ha dong riềng rất vất vả, chỉ làm nhỏ lẻ, manh mún, mỗi năm được 1-2 tấn khô, không năng suất. Từ năm 2010, khi có giống mới cho năng suất cao, gia đình ông trồng 6.000m2. Theo ông Hạnh, năm nay không chỉ gia đình ông mà cả những người trồng dong riềng trên địa bàn đều phấn khởi vì vừa được mùa, vừa được giá.

Ông Hạnh chia sẻ, với diện tích trồng 6.000 m2, vụ này gia đình ông ước thu khoảng 25 tấn củ tươi. Với giá bán củ tươi dao động từ 3.000 - 3.500 đồng/kg, giá bột 27.000 - 30.000/kg, sau khi trừ chi phí giống, phân bón và tiền công thì còn lãi trên 50 triệu đồng. Tuy trồng dong riềng có vất vả nhưng bù lại cho thu nhập cao hơn lúa 2-3 lần, chăm sóc chỉ bận rộn lúc ban đầu. Với nguyên liệu sẵn có, gia đình ông còn tự sản xuất thêm miến khô được khoảng 13 tấn/năm, tiêu thụ cả trong tỉnh và cả nước. Gia đình ông cũng tham gia vào hợp tác xã xây dựng sản phẩm OCOP miến dong Bình Lư 3 sao. Nhờ đó, sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu nhập của gia đình khoảng 200 triệu đồng.

Từ năm 2021 trở về trước, gia đình ông Lù Kim Sơn (bản Thèn Thầu, xã Bình Lư) trồng 2 vụ lúa. Đến năm 2022, ông quyết định chuyển đổi sang trồng dong riềng. Với ông Sơn, đó là quyết định đúng đắn, bởi theo ông tính toán, nếu trồng lúa cả 2 vụ thu được 1,2 tấn thóc, sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận chỉ khoảng 1,2 triệu đồng. Nhưng cũng diện tích đó, sau khi chuyển đổi sang trồng dong riềng, gia đình ông đã thu được hơn 27 triệu đồng từ tiền bán bột dong, trừ chi phí lãi tới 12 triệu đồng.

Nghề làm miến dong truyền thống xã Bình Lư tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Ông Lù Kim Sơn phấn khởi cho biết, so cây dong riềng với lúa, chỉ tính bán bột dong vẫn thu gấp đôi trồng lúa. Còn làm thành phẩm ra miến lãi hơn trồng lúa gấp 5-6 lần. Mặc dù diện tích trồng dong riềng nhà ông còn ít nhưng nếu tăng đầu tư công sức, phân bón thì hiệu quả của cây dong riềng mang lại được nâng cao rõ rệt. Hiện toàn xã Bình Lư có 38 ha trồng dong riềng, sản lượng 60 tấn/ha.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bình Lư Lò Văn Thắng cho hay, để nâng cao sản lượng cũng như chất lượng, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân trong xã trồng dong riềng, đồng thời liên kết với các hộ dân trồng dong riềng tại các địa phương lân cận để tạo ra nguồn nguyên liệu tại chỗ cho sản xuất miến dong.

Những ngày này, các cơ sở sản xuất miến dong trên địa bàn xã Bình Lư đang huy động tối đa nhân lực, đồng thời đầu tư công nghệ hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Gia đình bà Trần Thị Hương (bản Toòng Pẳn, xã Bình Lư) đã 34 năm gắn bó với nghề làm miến dong truyền thống. Nhờ nghề tay trái này đã giúp gia đình bà có thêm nguồn thu nhập ổn định. Bà Hương chia sẻ, tranh thủ thời tiết nắng ấm, từ đầu tháng 11, gia đình bà đã vào vụ sản xuất miến dong. Mỗi ngày gia đình bà làm được 1,3 tạ miến, sản xuất tới đâu bán tới đó. Sản phẩm miến của của gia đình bà Hương sợi nhỏ, dẻo dai, thơm ngon do đặc biệt chú trọng quy trình sản xuất nên được thị trường đón nhận tích cực.

Để giữ gìn và phát triển nghề của gia đình, năm 2019, anh Nguyễn Mạnh Cường (bản Thống Nhất, xã Bình Lư) quyết định thành lập hộ kinh doanh sản xuất miến dong tại bản. Sau 3 năm, anh Cường tiếp tục mở rộng quy mô và hướng đến đưa sản phẩm tiếp cận thị trường lớn hơn, anh mạnh dạn thành lập Hợp tác xã sản xuất và thương mại nông nghiệp sạch Ngọc Cường, sản xuất thành công sản phẩm miến cao cấp có tên gọi “Miến Gia Huy” với mẫu mã đẹp, sợi miến thẳng, đều, thơm, ngon.

Anh Nguyễn Mạnh Cường cho biết, để sản xuất miến hiệu quả cần chú trọng đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đó là, thay thế các loại máy truyền thống bằng máy ép sợi bán tự động; máy đánh bột tự chế; thay đổi phên tre, nứa bằng phên lưới trong quá trình phơi miến thành phẩm… Hiện hợp tác xã có 3 cơ sở sản xuất miến dong, xuất ra thị trường từ 26-27 tấn/năm, trừ chi phí thu lãi trên 200 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 9 nhân công, với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.

Cuối năm 2023, Hợp tác xã Sản xuất miến dong Vững Tâm ở bản Toòng Pẳn đầu tư nhà xưởng sản xuất và khu phơi miến dong kiên cố, với tổng diện tích gần 900 m2. Đặc biệt, cơ sở đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại như nồi hơi cấp nhiệt cho hệ thống giàn sấy, máy tráng, giàn sấy, máy thái sợi, phòng sấy sợi… để tạo thành các loại sợi miến to, nhỏ khác nhau. Để làm hết hơn 3 tấn bột mỗi ngày, máy phải chạy từ 9-10 giờ đồng hồ liên tục, hai nhân viên kỹ thuật thường xuyên theo dõi để kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo chất lượng.

Ông Đỗ Tuấn Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất miến dong Vững Tâm cho biết, sản phẩm miến dong Vững Tâm được đóng gói cẩn thận, mẫu mã đẹp, có tem, nhãn mác, đầy đủ thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng… Do đó, sản phẩm đã tạo được sự tin tưởng của khách hàng. Nhờ nguồn nguyên liệu tại chỗ cùng với có hệ thống máy móc hiện đại, mỗi ngày cơ sở sản xuất được 1,7-1,8 tấn miến, các sợi miến đều, đẹp, chất lượng thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng.

Để đáp ứng nhu cầu hàng Tết, Cơ sở sản xuất miến dong Vững Tâm dự kiến sẽ sản xuất từ 140-150 tấn miến.Hiện trên địa bàn xã Bình Lư có 2 làng nghề với gần 100 hộ sản xuất miến dong. Mỗi năm, các cơ sở sản xuất trên địa bàn xã bán ra thị trường khoảng hơn 200 tấn miến. Sản phẩm “Miến dong Bình Lư” đã trở thành thương hiệu uy tín trên cả nước, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, tin dùng.

Miến dong Bình Lư được tỉnh Lai Châu đánh giá và công nhận là sản phẩm OCOP 3. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Phó Chủ tịch xã Bình Lư Lò Văn Thắng cho biết, những năm qua, hiệu quả từ trồng dong riềng và sản xuất miến trên địa bàn rất tích cực, sản phẩm miến của địa phương làm ra được thị trường ưu chuộng, người làm miến dong có thu nhập khá cao. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tìm hướng để tạo điều kiện cho các hộ trồng dong và bao tiêu sản phẩm liên kết với nhau. Từ đó, từng bước tăng thêm thu nhập, giải quyết việc làm cho người lao động.

Miến dong Bình Lư đã và đang khẳng định thương hiệu, là một trong những sản phẩm OCOP 3 sao đặc trưng của tỉnh Lai Châu. Việc phát triển nghề làm miến dong đã góp phần nâng cao thu nhập, giúp người dân vùng cao thoát nghèo, từng bước cải thiện cuộc sống./.