Đông Nam Á cố gắng vượt qua bẫy thu nhập trung bình nhờ hợp tác với OECD
Là một trong số ít các quốc gia thành viên OECD đến từ châu Á, tại MCM năm nay, Nhật Bản sẽ tập trung nhấn mạnh tầm quan trọng của OECD trong việc tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo bài viết đăng tải trên tờ Bangkok Post, nhân kỷ niệm 60 năm gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Nhật Bản vinh dự trở thành chủ trì Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD (MCM) năm 2024 với sự tham dự của Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Lào - nước Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2024 và Ban thư ký ASEAN.
Là một trong số ít các quốc gia thành viên OECD đến từ châu Á, tại MCM năm nay, Nhật Bản sẽ tập trung nhấn mạnh tầm quan trọng của OECD trong việc tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hướng tới mục tiêu cùng các nước trong khu vực chia sẻ việc triển khai các chính sách và tìm kiếm các quy tắc chung tốt hơn để thực hiện tăng trưởng toàn diện và bền vững.
Sau lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản vào năm ngoái, thế giới đã chứng kiến những bước phát triển đáng kể trong mối quan hệ giữa OECD và Đông Nam Á. Thái Lan đã bày tỏ ý định tham gia OECD. Quyết định của Thái Lan thể hiện sự tham gia liên tục và thiện chí gắn chặt hơn nữa trong mối quan hệ của Thái Lan với OECD.
Ngoài ra, OECD đã quyết định tiến hành đánh giá việc gia nhập tổ chức này của Indonesia, Singapore và bản ghi nhớ giữa OECD với Ban Thư ký ASEAN được ký kết vào năm 2022.
Tầm quan trọng của việc OECD tiếp cận Đông Nam Á
Là một tổ chức quốc tế được thành lập để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, OECD từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng quy tắc quốc tế và đưa ra nhiều đề xuất, hướng dẫn chính sách phù hợp thông qua việc thu thập dữ liệu trên thực tế và tiến hành đánh giá giữa các quốc gia thành viên. Các quy tắc và tiêu chuẩn do OECD đặt ra là nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế ổn định của thế giới.
Thông qua việc tăng cường hợp tác với OECD, Thái Lan sẽ được hưởng lợi từ bộ dữ liệu và phân tích của tổ chức này, cung cấp nhiều gợi ý khác nhau để thực hiện các cải cách cần thiết trong nước, cũng như đem lại kinh nghiệm quý báu để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Quan trọng hơn nữa, Thái Lan sẽ có thể thu hút đầu tư tư nhân bằng cách áp dụng các quy tắc và tiêu chuẩn của OECD. Tin tốt cho Thái Lan là đầu tư tư nhân sẽ được chính phủ tài trợ để lấp đầy khoảng trống tài chính nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
OECD cũng cố gắng phản ánh tầm quan trọng của các nước Đông Nam Á đối với nền kinh tế toàn cầu và lắng nghe tiếng nói của các nước khu vực trong việc hoạch định chính sách trong kỷ nguyên mới này. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nền kinh tế thành viên OECD vào năm 2020 chỉ còn chiếm 60% GDP toàn cầu, giảm so với con số 80% được ghi nhận vào năm 2000.
Dù cho có sự thay đổi tăng trưởng của các nền kinh tế toàn cầu, 26 trong số 38 quốc gia thành viên OECD đến từ châu Âu và chỉ có 4 quốc gia đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cụ thể là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Mặc dù OECD đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại tự do và đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, nhưng giờ là lúc tổ chức này cần tăng cường hợp tác với Đông Nam Á để nâng cao mức độ phù hợp và tác động của tổ chức này trên trường quốc tế.
Cây cầu nối Nhật Bản
OECD cần mở rộng sự đa dạng cùng với sự thay đổi về tính năng động của nền kinh tế. Các quy tắc chỉ phát huy hiệu quả khi các bên liên quan chính tham gia vào việc xây dựng và thực hiện chúng. Nhật Bản coi chìa khóa giải quyết thách thức này là sự tham gia nhiều hơn của OECD với Đông Nam Á, khu vực tăng trưởng năng động nhất thế giới.
Để thúc đẩy hơn nữa sự tiếp cận của OECD tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, MCM năm nay sẽ kỷ niệm 10 năm Chương trình Khu vực Đông Nam Á của OECD (SEARP), được thành lập theo sáng kiến MCM của Nhật Bản vào năm 2014, với mục tiêu khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của OECD với Đông Nam Á.
Trong dịp này, Nhật Bản đã bày tỏ quyết tâm làm cầu nối giữa OECD và Đông Nam Á, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng bền vững đối với khu vực Đông Nam Á nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung.
Với tư cách là quốc gia giữ vai trò Chủ tịch OECD, Nhật Bản cũng sẽ kết hợp các chủ đề xuyên suốt như giới tính và biến đổi khí hậu vào chương trình nghị sự MCM để góp phần đạt được Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) ở Đông Nam Á./.