Đồng Nai: Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn tại các điểm giao cắt đường bộ, đường sắt
Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết qua kiểm tra thực tế ghi nhận nhiều bất cập về hạ tầng giao thông tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Ngày 7/8, Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết sau khi xảy ra vụ xe ôtô bán tải vượt đường sắt va chạm với tàu hỏa làm 2 người chết, 3 người bị thương, đơn vị đã phối hợp với ngành chức năng tỉnh Đồng Nai kiểm tra, qua đó nhận thấy vẫn còn nhiều bất cập về hạ tầng giao thông tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt và các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Cụ thể, Đoàn kiểm tra liên ngành do Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với ngành chức năng tỉnh Đồng Nai tiến hành kiểm tra 18 vị trí giao cắt đường bộ với đường sắt tại các địa phương, gồm Biên Hòa, Trảng Bom, Thống Nhất, Long Khánh và Xuân Lộc.
Quá trình kiểm tra, đoàn ghi nhận tại nhiều điểm giao cắt còn tồn tại các hạn chế, bất cập như nhiều khu vực có lối đi tự mở dù chính quyền địa phương đã phối hợp với ngành đường sắt nhiều lần rào chắn nhưng người dân vẫn tháo dỡ để đi lại.
Một số vị trí chưa bố trí vạch dừng xe, vạch tim đường, gờ giảm tốc, vạch kẻ kiểu mắc võng hoặc có nhưng đã mờ; nền đường bộ giao cắt với đường sắt hư hỏng tạo ổ gà; người dân tụ tập buôn bán trong phạm vi hành lang an toàn đường sắt.
Đặc biệt, tại Km1697+150 (phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai), nhiều hộ dân sinh sống dọc đường sắt không có lối đi riêng, phải đi trên nền đá của đường sắt, thậm chí có cả ôtô di chuyển bằng cách lấn lên nền đá balat của đường sắt.
Ông Lý Văn Liêm (sinh sống dọc đường sắt tại Km1697+150, phường Trung Dũng) cho biết ông đã sinh sống tại khu vực này hơn 60 năm, gia đình ông cùng khoảng hơn 10 hộ trong khu vực không có lối đi riêng, phải đi nhờ nền đá của đường sắt để di chuyển.
Tuy nhiên, phần đường nền đá này rất lởm chởm, trơn trượt, đi lại rất nguy hiểm. Trước đây từng xảy ra vụ người dân đi bộ trên đường tàu không may bị tàu tông tử vong.“Đã nhiều lần tôi chứng kiến cảnh hàng xóm vứt xe, nhảy xuống mương nước khi có tàu hỏa đến. Tuy nhiên do không có lối đi lại nên buộc người dân phải đi trên nền đá balat của đường sắt. Tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm đến vấn đề đi lại của người dân nơi đây để chúng tôi có một lối đi an toàn, thuận tiện,” ông Lý Văn Liêm chia sẻ.
Ông Não Thiên Anh Minh, Phó Trưởng Ban chuyên trách, Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết qua kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra ghi nhận nhiều bất cập về hạ tầng giao thông tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt.
Tại Km1697+150 tồn tại tình trạng người dân sống dọc 2 bên đường sắt không có lối đi riêng, Đoàn đã đề xuất một số giải pháp xây dựng lối đi tạm để không còn tình trạng người dân di chuyển trên nền đá của đường sắt; tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm hành lang an toàn đường sắt và tăng cường tuyên truyền về ý thức chấp hành luật giao thông cho người dân.
Ngoài ra, Đoàn cũng đề xuất lắp đặt thêm biển báo “Chú ý tàu hỏa” và cấm ôtô rẽ vào đường song hành với đường sắt.
Đối với những bất cập, hạn chế khác, Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai đề nghị các địa phương phối hợp với ngành đường sắt rà soát, kiểm tra và có kế hoạch điều chỉnh, bổ sung biển báo hiệu đường bộ còn thiếu, mất, hư hỏng tại các đường ngang; bổ sung, khắc phục vạch kẻ kiểu mắc võng, vạch tim đường, vạch dừng xe, gờ giảm tốc tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; xử lý dứt điểm các lối đi tự mở qua đường sắt.
Đồng thời, Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn tăng cường phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên địa bàn tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các nhân viên gác chắn; phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn giao thông đường sắt.
Các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết và chấp hành nghiêm pháp luật an toàn giao thông đường sắt, quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt./.