Đồng Nai thúc đẩy kết nối giao thương với các doanh nghiệp Ấn Độ
Theo Đại sứ Nguyễn Thanh Hải, thương mại song phương Việt Nam-Ấn Độ đã đạt mức 15 tỷ USD năm 2022 nhưng còn nhiều dư địa để phát triển khi cả Việt Nam và Ấn Độ đều là những quốc gia năng động.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, sáng 6/9, tại Ấn Độ đã diễn ra Chương trình Xúc tiến Thương mại và Giao thương giữa tỉnh Đồng Nai của Việt Nam và Ấn Độ, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp hai nước.
Tại buổi xúc tiến, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã giới thiệu sơ lược về tỉnh Đồng Nai và tình hình thương mại giữa tỉnh Đồng Nai và Ấn Độ.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Đồng Nai thuộc miền Đông Nam Bộ, được biết đến với hệ thống giao thông thuận lợi, gồm nhiều tuyến huyết mạch như các Quốc lộ 1A, 20, 51, tuyến đường sắt Bắc-Nam và các cảng biển như cảng Đồng Nai, cảng Gò Dầu A, cảng Gò Dầu B, cảng Phước Thái, gần cảng Sài Gòn, cảng Cái Mép, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế trong vùng cũng như giao thương với quốc tế.
[Các tỉnh Tây Nguyên kết nối giao thương với thị trường tỷ dân Ấn Độ]
Bà Nguyễn Thị Hoàng cho hay Đồng Nai được coi là một trong những tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu của Việt Nam với 39 khu công nghiệp được quy hoạch và hơn 85% diện tích đất cho thuê đã thu hút đầu tư từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau với tổng vốn đầu tư lên đến 29,26 tỷ USD.
Tuy nhiên, hiện tại, chưa có dự án đầu tư nào của doanh nghiệp Ấn Độ tại Đồng Nai.
Về kim ngạch thương mại giữa tỉnh Đồng Nai và Ấn Độ, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ đạt 489 triệu USD, với các mặt hàng chính bao gồm chất dẻo nguyên liệu, vải mành, vải kỹ thuật, xơ, sợi dệt, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, phương tiện vận tải.
Kim ngạch nhập khẩu đạt 326 triệu USD, gồm các mặt hàng chính như kim loại thường, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, chất dẻo nguyên liệu.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, tiềm năng cho việc mở rộng quan hệ giao thương giữa các doanh nghiệp Đồng Nai và Ấn Độ trong tương lai là rất lớn. Để đạt được những kết quả cụ thể, doanh nghiệp hai bên cần có thời gian tìm hiểu năng lực, uy tín, sản phẩm, hàng hóa của đối tác cũng như các cơ chế, chính sách của Việt Nam và Ấn Độ.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cam kết nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường của cả hai nước, qua đó sớm mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp hai bên theo phương châm đôi bên cùng có lợi.
Về phần mình, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh chương trình kết nối giao thương giữa tỉnh Đồng Nai và Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi Ấn Độ chuẩn bị tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) từ ngày 9-10/9 tại thủ đô New Delhi với khẩu hiệu “Một Trái Đất, Một gia đình, Một tương lai.”
Đồng thời, trong các ngày 6-7/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Indonesia tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ, Hội nghị cấp cao Đông Á và các hội nghị quan trọng khác với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Tỉnh Đồng Nai cũng vừa khởi công xây dựng Sân bay Long Thành, sau khi hoàn thành vào năm 2025 sẽ trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam và là một trong những sân bay lớn, hiện đại trong khu vực.
Đại sứ Nguyễn Thanh Hải cho biết thương mại song phương Việt Nam-Ấn Độ đã đạt mức 15 tỷ USD năm 2022 nhưng còn nhiều dư địa để phát triển khi cả Việt Nam và Ấn Độ đều là những quốc gia năng động với tốc độ phát triển hàng đầu thế giới.
Hai nền kinh tế có sự bổ sung cho nhau và đặc biệt kết nối hàng không với hơn 55 chuyến bay thẳng mỗi tuần đem lại nhiều cơ hội cho thương mại, đầu tư và du lịch.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kết nối giao thương.
Về phía Ấn Độ, ông Atul Kumar Saxena, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các Doanh nghiệp Nhập khẩu Ấn Độ, cho biết tiềm năng mở rộng quan hệ giao thương giữa các doanh nghiệp Đồng Nai và Ấn Độ trong tương lai là rất lớn.
Để đạt được những kết quả cụ thể, doanh nghiệp hai bên cần có thời gian tìm hiểu năng lực, uy tín, sản phẩm, hàng hóa của đối tác cũng như các cơ chế, chính sách của Việt Nam và Ấn Độ.
Lãnh đạo các Phòng Thương mại và Công nghiệp tại Ấn Độ đã chào đón và đánh giá cao kết quả chương trình xúc tiến thương mại và giao thương này.
Tại buổi xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam và các phòng thương mại-công nghiệp Ấn Độ đã ký kết 6 biên bản ghi nhớ về hợp tác trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Buổi xúc tiến thương mại đã diễn ra sôi nổi với phần kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ.
Nhiều sản phẩm nông sản, trái cây, đặc sản của tỉnh Đồng Nai được trưng bày tại đây đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp Ấn Độ./.