Đồng Nai: Số ca mắc sởi có dấu hiệu gia tăng đáng báo động
Từ đầu năm 2024 đến ngày 15/8, tỉnh Đồng Nai ghi nhận 35 ca bệnh nhi mắc bệnh sởi, chủ yếu tập trung ở thành phố Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Tân Phú, Long Thành.
Hiện nay, số ca mắc bệnh sởi tại Đồng Nai đang nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến ngày 15/8, địa phương ghi nhận 35 ca bệnh nhi mắc bệnh sởi, chủ yếu tập trung ở thành phố Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Tân Phú, Long Thành.
Ghi nhận tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, tuần đầu của tháng 8, khoa đã tiếp nhận hơn 10 ca bệnh sởi, trong đó nhiều trẻ phải hỗ trợ thở oxy vì có viêm phổi kèm theo.
Ngay cả những trẻ đã lớn cũng mắc bệnh và phải nằm viện điều trị, thậm chí có trẻ nhỏ đã tiêm đủ các mũi vaccine phòng bệnh.
Chị N.T.H (ngụ xã Phú Lợi, huyện Định Quán) cho biết con trai chị đã 14 tuổi, trước đây chưa từng tiêm vaccine ngừa sởi và cũng chưa từng bị mắc bệnh.
Trước khi nhập viện, cháu bị sốt 3 ngày và bắt đầu phát ban đỏ, ban đầu gia đình chỉ nghĩ con bị dị ứng nổi mẩn đỏ chứ không nghĩ đến bệnh sởi. Tuy nhiên, những ngày sau cháu liên tục sốt cao và đau họng nên gia đình cho con nhập viện mới biết bị mắc sởi.
Bác sỹ Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, thời gian qua bệnh viện liên tục ghi nhận nhiều trẻ em nhập viện do bệnh sởi, điều này đồng nghĩa với việc virus sởi đã có trong cộng đồng. Do đó, nguy cơ lây lan bệnh rất lớn, các bậc phụ huynh phải chú ý dấu hiệu bệnh, không nên chủ quan.
Về việc trẻ đã tiêm đủ các mũi vaccine có thành phần phòng sởi nhưng vẫn mắc bệnh, bác sỹ Quyền cho biết, theo lý thuyết, khi tiêm mũi thứ nhất vaccine sởi sẽ ngừa được 85% nguy cơ, tiêm mũi thứ 2 hiệu quả ngừa bệnh lên đến 97%. Nhưng vẫn còn 3% bị bệnh.
Thông thường, những trẻ đã tiêm ngừa vaccine sẽ có đề kháng tốt hơn và không bị suy hô hấp hay bệnh quá nặng. Do đó, bác sỹ khuyến cáo phụ huynh khi trẻ đến tuổi cần tiêm phòng đủ liều, đúng lịch để hạn chế mắc sởi và diễn tiến bệnh nặng.
Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Lê Quang Trung cho biết dù địa phương chưa công bố nhưng đơn vị vẫn lo ngại dịch sẽ xảy ra. Nguyên nhân là mật độ dân cư tại Đồng Nai đông, nhiều khu nhà trọ chật hẹp, chưa đảm bảo môi trường sống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra các loại bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, thủy đậu.
Thời điểm này năm trước, Đồng Nai không ghi nhận ca mắc sởi, nhưng năm nay đã xuất hiện nhiều trẻ mắc bệnh và phải nhập viện chữa trị.
Ngành y tế vẫn phải tăng cường “phòng bệnh hơn chữa bệnh,” kịp thời xử lý ổ dịch, vệ sinh môi trường nhất là trường học, trường mẫu giáo.
Sở Y tế đang triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho 7 địa phương có nguy cơ dịch bệnh sởi cao và rất cao gồm Xuân Lộc, Tân Phú, Nhơn Trạch, Biên Hòa, Long Thành, Định Quán và Vĩnh Cửu.
Dự kiến, có hơn 174.400 trẻ em từ 9 tháng tuổi đến 5 tuổi tại 7 địa phương trên được tiêm vaccine. Sở tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho hơn 9.000 trẻ từ 9 tháng đến 5 tuổi tại 4 địa phương còn lại gồm Long Khánh, Trảng Bom, Cẩm Mỹ và Thống Nhất.
Ông Lê Quang Trung cho hay, cần tăng cường tiêm vaccine sởi và các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia để bảo đảm cho các bé trong độ tuổi tiêm chủng phải được tiêm phòng đầy đủ nhất.
Tuy nhiên, Đồng Nai cũng gặp khó khăn trong triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng do thiếu nhiều loại vaccine suốt nhiều tháng qua. Từ đầu năm đến nay, tỉnh mới được cung ứng khoảng 58% tổng lượng vaccine cần thiết, cá biệt có nhiều loại vaccine như ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm não Nhật Bản… còn thấp dưới 50%.
Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng thuốc, trang thiết bị để sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân.
Hiện tại, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã bố trí 1 khu cách ly riêng để điều trị trẻ nhiễm các bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, thủy đậu… nhằm giảm lây nhiễm chéo và tránh lây lan ra cộng đồng./.