Đồng Nai: Hạn chế tối đa trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu các cơ sở y tế sẵn sàng phương án tiếp nhận, phân loại, cấp cứu, điều trị kịp thời người bị ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Trước diễn biến phức tạp về tình hình vi phạm an toàn thực phẩm, đặc biệt công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã ban hành chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Ngành y tế tỉnh tăng cường kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm, nhất là các cơ sở có nguy cơ cao về ngộ độc thực phẩm; ưu tiên kiểm tra đột xuất tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trong trường học, khu công nghiệp, bệnh viện, xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm theo quy định.
Ngành tiếp tục xây dựng và duy trì các mô hình điểm về an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiếp tục duy trì xây dựng mô hình thức ăn đường phố bảo đảm an toàn thực phẩm.
Các cơ sở y tế chủ động sẵn sàng phương án tiếp nhận, phân loại, cấp cứu, điều trị kịp thời người bị ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm; chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với đơn vị, địa phương trong điều tra xác định nguyên nhân và xử lý nghiêm các cơ sở gây ra ngộ độc thực phẩm.
Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm đến người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các bếp ăn tập thể, dịch vụ kinh doanh ăn uống...
Công an tỉnh tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra, đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển tiêu thụ thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, kém chất lượng và thực phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng chức năng tiếp nhận, điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng do cơ quan, đơn vị chuyển hồ sơ khi có dấu hiệu hình sự.
Sáu tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra ba vụ ngộ độc thực phẩm với 657 ca mắc, trong đó có một trường hợp tử vong.
Cụ thể, vụ ngộ độc thực phẩm vào tháng 2/2024 tại thành phố Biên Hòa khiến 15 ca mắc. Vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại tiệm bánh mỳ trên địa bàn thành phố Long Khánh vào ngày 30/4 khiến 555 người phải nhập viện cấp cứu, trong đó có 6 trường hợp nặng, một người tử vong.
Tiếp đó, ngày 15/5, một vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dechang Việt Nam khiến 95 người nhập viện./.