Đồng Nai: Đại công trường của các dự án giao thông trọng điểm
Với sự đầu tư từ nhiều cấp, Đồng Nai đang trở thành “đại công trường” với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm quốc gia, cấp tỉnh được triển khai như sân bay Long Thành, cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây.
Là cửa ngõ phía Đông của Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Đồng Nai có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương.
Những năm gần đây, với sự đầu tư từ nhiều cấp, Đồng Nai đang trở thành một “đại công trường” với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm quốc gia, cấp tỉnh được triển khai.
Nhờ sự nỗ lực từ nhiều phía, các dự án ở Đồng Nai đang được đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị về đích trong thời gian tới.
Sân bay Long Thành với công suất thiết kế 100 triệu hành khách/năm, được xây dựng trên diện tích 5.000ha tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Đây là công trình giao thông có vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, được khởi công vào năm 2021, dự kiến năm 2025 đi vào khai thác.
Khi hoàn thành, sân bay Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam và là cảng hàng không trung chuyển lớn khu vực Đông Nam Á.
Sau gần 2 năm triển khai, dự án sân bay Long Thành đã hoàn thành đóng cọc nhà ga hành khách, đồng thời đào đắp được 42 triệu m3 đất. Hiện nay, liên danh gồm 5 nhà thầu đang huy động hơn 1.850 máy móc, phương tiện và trên 2.600 kỹ sư, công nhân để thi công gói thầu san nền.
Ông Kiều Cao Hưng, Giám đốc điều hành gói thầu san nền - Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết thời tiết ở Đồng Nai đã bước vào mùa khô, các nhà thầu huy động tối đa lực lượng triển khai san nền sân bay Long Thành.
[Đồng Nai: Hoàn thành cọc móng nhà ga sân bay Long Thành]
Trên công trường công nhân việc 24/24 giờ, kể cả thứ 7, chủ nhật. Hiện trung bình mỗi ngày đêm liên danh các nhà thầu đào đắp được khoảng 500.000m3 đất, đây là một khối lượng rất lớn, cao hơn gấp đôi so với trước đây.
Để đảm bảo tiến độ dự án, các nhà thầu đang lên phương án thi công cả trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2023.
Qua hơn 2 năm thi công, đến nay cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây với chiều dài 99km, từ Bình Thuận đến Đồng Nai đã đào đắp hơn 11 triệu m3 đất, cấp phối đá dăm khoảng 1,3 triệu m3, bê tông nhựa các loại đạt hơn 1 triệu tấn và đã thông xe kỹ thuật.
Những ngày qua, các nhà thầu huy động gần 1.000 máy móc, phương tiện và hơn 1.000 kỹ sư, công nhân triển khai thi công cả ngày lẫn đêm.
Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, đại diện chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, những tháng gần đây tiến độ cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây đã được đẩy nhanh.
Nguyên nhân do các nhà thầu huy động thêm 3 trạm trộn bê tông nhựa và nhiều dây chuyền thi công cấp phối đá dăm, gia cố ximăng. Hiện nhà thầu đang tiếp tục tiến hành bêtông nhựa một số vị trí trên tuyến; thi công hệ thống đường gom, đường ngang, nút giao, lắp đặt dải phân cách, hệ thống an toàn giao thông, quyết tâm hoàn thành dự án vào cuối tháng 4/2023.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai, bên cạnh các dự án của Trung ương, khoảng 5 năm qua, Đồng Nai cũng đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối các địa phương trong tỉnh.
Điển hình là dự án đường 319 kết nối huyện Nhơn Trạch với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, giúp rút ngắn khoảng cách từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Bà Rịa-Vũng Tàu.
Dự án Hương lộ 2 nối Quốc lộ 51 với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành- Dầu Giây.
Dự án đường ven sông Đồng Nai nhằm kết nối các trục đường giao thông, tạo không gian công cộng, cảnh quan cho thành phố Biên Hòa.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, hiện Đồng Nai đang được coi là đại công trường với nhiều dự án trọng điểm quốc gia đang triển khai như sân bay Long Thành, cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, Bến Lức-Long Thành, đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Tới đây, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Dầu Giây-Liên Khương, đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm-sân bay Long Thành và đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu cũng sẽ được xây dựng.
Đây là những công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ với Đồng Nai mà còn giúp kết nối giao thông khu vực phía Nam và cả nước.
Để tạo ra hệ thống hạ tầng đồng bộ, mới đây tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt đầu tư 3 dự án giao thông gồm đường ĐT 769, đường ĐT 770B và đường ĐT 773 với tổng nguồn vốn khoảng 20.000 tỷ đồng.
Đây là các dự án được tỉnh ưu tiên đầu tư trong năm năm tới nhằm kết nối nhiều tuyến quốc lộ, cao tốc và các huyện, thành phố của Đồng Nai với sân bay Long Thành.
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết những năm tới Đồng Nai cần nguồn vốn rất lớn để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, trong khi ngân sách chưa đáp ứng đủ nên tỉnh lên phương án khai thác quỹ đất tiếp giáp các dự án để có tiền đầu tư.
Ngành chức năng trong tỉnh đã khảo sát, quy hoạch khu đất lợi thế bên cạnh những dự án giao thông, đồng thời hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, sớm đưa các khu đất vào đấu giá.
Với hàng loạt những công trình lớn đang triển khai, tới đây Đồng Nai sẽ cần rất nhiều nguồn lực và phải nỗ lực rất nhiều trong giải phóng mặt bằng, ổn định cuộc sống của người dân.
Tỉnh mong muốn cơ quan Trung ương phối hợp chặt chẽ, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Người dân chung sức, đồng lòng vì sự phát triển chung, hỗ trợ chính quyền trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo các công trình triển khai đúng tiến độ./.