Động lực mới từ tuyến đường kết nối xã vùng sâu Đắk Ngo với huyện Tuy Đức
Từ cuối năm 2023 đến nay, đường từ trung tâm xã Đắk Ngo ra xã Đắk Búk So, trung tâm hành chính của huyện Tuy Đức đã cơ bản được thông tuyến, bà con đi lại thuận tiện.
Đắk Ngo là xã vùng sâu vùng xa thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Nông. Đây là địa phương có diện tích rộng, dân số đông (hơn 13.000 người trong đó gần 75% là đồng bào dân tộc thiểu số).
Hiện tỷ lệ nghèo chung của toàn xã hơn 30%. Đáng chú ý hơn, tỷ lệ hộ nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 40%.
Đi một buổi mới ra tới trung tâm huyện
Là một trong các hộ dân gắn bó với xã Đắk Ngo từ thời điểm thành lập huyện Tuy Đức vào năm 2006, ông Trương Thanh, ngụ tại bản Trắng, xã Đắk Ngo hiện là một nông dân thuộc diện khá giả với gần 10ha đất trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, điều, cao su…
Ông Thanh cho biết gần 20 năm trước, gia đình ông đến định cư tại xã Đắk Ngo sau khi xác định đây là vùng đất đai màu mỡ, thuận lợi cho phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại.
“Gia đình tôi mua được nhiều đất với giá khá rẻ và trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, hàng năm cho thu nhập ổn định. Tuy nhiên, do điều kiện vùng sâu vùng xa nên việc định cư, định canh ở đây cũng phải đối diện với nhiều khó khăn chồng chất. Giá cả hầu hết các mặt hàng thiết yếu, từ lương thực thực phẩm, phân bón, vật tư nông nghiệp đều cao hơn giá thị trường. Nhiều năm liền cơ sở hạ tầng thiết yếu, từ trường học, chợ… đều thiếu. Đặc biệt là tuyến đường từ xã Đắk Ngo về trung tâm huyện Tuy Đức thì hầu như không thể di chuyển vào mùa mưa,” ông Thanh chia sẻ với phóng viên.
“Đường về trung tâm huyện Tuy Đức ngắn nhất là đi qua xã Quảng Tâm (cùng huyện). Tuy nhiên trước đây, việc đi lại rất khó khăn. Nếu đi bằng xe máy phải là người có nhiều kinh nghiệm, bởi xe phải “bò” trên nhiều đoạn đường lầy lội, xói lở, hư hỏng nặng. Hầu hết các xe đều có dè và phải độ phuộc, cuốn xích mới đi được. Việc di chuyển nếu nhanh cũng mất một buổi. Còn đi bán các loại nông sản, như mủ cao su, càphê… thì phải đi đường vòng qua xã Quảng Tín hoặc đường khác, có khi 3-4 ngày mới về lại nhà,” anh Lê Minh Trực, một nông dân tại xã Đắk Ngo chia sẻ với phóng viên.
“Nghĩ tới con đường trước đây là sợ. Mọi việc đều khó khăn. Nhưng sợ nhất là những lúc ốm đau hoặc phụ nữ sinh nở. Nhiều trường hợp đi không kịp đã chuyển biến xấu và rất thương tâm,” ông Trương Thanh tiếp tục câu chuyện về con đường vào xã Đắk Ngo trước đây.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2023 đến nay, đường từ trung tâm xã Đắk Ngo ra xã Đắk Búk So, trung tâm hành chính của huyện Tuy Đức đã cơ bản được thông tuyến, bà con đi lại thuận tiện. Việc kết nối vào trung tâm hành chính huyện giúp người dân thuận lợi rất nhiều. Từ việc đi làm giấy tờ hành chính, đưa con em đi học, đi khám bệnh…
Đặc biệt, nhờ đường giao thông thuận lợi, thị trường các mặt hàng nhu yếu phẩm, phân bón, vật tư nông nghiệp của Đắk Ngo cũng phong phú, đa dạng và giá cả hợp lý hơn.
“Điều người dân mừng nhất là việc vận chuyển nông sản được thuận lợi, các mặt hàng nông nghiệp chủ lực của xã như càphê, mủ cao su, hồ tiêu, hạt điều… đều được mua bán, giao dịch thuận lợi, giá cả phải chăng, không còn cảnh thương lại ép giá hoặc buôn bán khó khăn, phải bán đổ, bán tháo như trước,” ông Nguyễn Văn Lạc, trú tại xã Đắk Ngo chia sẻ với phóng viên.
“Trước đi một buổi mới tới huyện nhưng nay chỉ còn khoảng một giờ,” ông Lạc nói như đinh đóng cột.
Thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh
Tháng 10/2016, một vụ nổ súng do tranh chấp đất rừng xảy ra tại khu vực giáp ranh giữa xã Quảng Trực và xã Đắk Ngo (cùng thuộc huyện Tuy Đức) làm 3 người chết và 16 người bị thương. Đây là vụ án tranh chấp đất rừng để lại hậu quả thương tâm nhất nhì tỉnh Đắk Nông từ thời điểm tái lập vào năm 2004 đến nay và làm chấn động dư luận cả nước.
Để đi đến hiện trường vụ án, ngành chức năng tỉnh Đắk Nông không thể đi từ hướng trung tâm huyện Tuy Đức mà phải di chuyển qua hướng xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông hoặc qua xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Nguyên do là nhiều đoạn trên con đường nối từ Tỉnh lộ 1 qua xã Quảng Tâm vào xã Đắk Ngo vào thời điểm đó không thể di chuyển được trong mùa mưa. Có thể khẳng định, chính điều kiện đi lại khó khăn đã khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng nói riêng và công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống các loại tội phạm nói chung trên địa bàn xã Đắk Ngo trong nhiều năm liền gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Ủy ban Nhân dân xã Đắk Ngo, xã có diện tích rộng, chỉ riêng diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp đã gần 30.000ha. Toàn xã hiện có hơn 2.800 hộ gia đình (với hơn 13.000 nhân khẩu). Trong đó, có gần 850 hộ gia đình (với gần 5.500 nhân khẩu) thuộc diện nghèo.
Việc đầu tư nâng cấp, hoàn thiện con đường từ trung tâm huyện Tuy Đức vào trung tâm xã đã và đang góp phần tạo ra một động lực lớn cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh tại một trong các xã vùng sâu có điều kiện đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Nông hiện nay.
Theo Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Tuy Đức, dự án đường vào xã Đắk Ngo có thiết kế cấp VI (miền núi) với chiều dài gần 19 km và tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Việc dự án cơ bản hoàn thành và thông tuyến đã giúp việc di chuyển từ xã Đắk Ngo ra trung tâm hành chính huyện Tuy Đức được thuận lợi, an toàn.
Ngoài dự án trên, Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Tuy Đức cũng đang làm chủ đầu tư dự án đường giao thông từ huyện Tuy Đức đi huyện Đắk R’lấp với tổng chiều dài gần 7,3km và đang trong giai đoạn thi công.
Theo ông Phạm Xuân Lam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đắk Ngo, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như việc cân đối kinh phí của trung ương, của tỉnh Đắk Nông và huyện Tuy Đức, cơ sở hạ tầng thiết yếu của xã Đắk Ngo ngày càng được đầu tư, hoàn thiện, nhất là đường giao thông.
Hiện, hơn 80% đường đến trung tâm thôn, bản đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Điều làm người dân, chính quyền vui nhất là tuyến đường huyết mạch từ trung tâm xã Đắk Ngo qua xã Quảng Tâm và và kết nối vào Tỉnh lộ 1. Việc hoàn thành tuyến đường đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho bà con đi lại, con em học hành thuận tiện. Bà con phấn khởi, tình hình an ninh trật tự thêm ổn định.
Hiện nay, mong muốn của chính quyền cũng như người dân địa phương là các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông quan tâm bố trí phần kinh phí còn lại để đơn vị thi công hoàn thành các tuyến đường, đảm bảo bà con đi lại và an toàn giao thông, nhất là đoạn tuyến từ trung tâm xã Đắk Ngo đến xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông để bà con đi lại thuận lợi hơn ra hướng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ)./.