Đồng euro tiếp tục giảm gần về mức ngang giá với USD

Đồng euro tiếp tục mất giá do lo ngại rằng việc đóng cửa theo lịch trình bảo trì của đường ống Nord Stream 1, đường ống vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga sang châu Âu, có thể kéo dài vĩnh viễn.

Nhân viên giao dịch ngoại hối kiểm đồng euro tại London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đồng euro tiếp tục tiến gần về "ranh giới" ngang giá với đồng USD trong ngày 12/7, giữa bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại rằng một cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ đẩy nền kinh tế châu Âu vào suy thoái.

Đồng tiền chung châu Âu đã giảm xuống chỉ còn 1,00036 USD đổi 1 euro vào sáng 12/7.

Đồng tiền này đã giảm xuống mức thấp nhất trong phiên là 1,00005 USD/euro trên nền tảng giao dịch của Dịch vụ Môi giới Điện tử và chạm mức 1 USD/euro trong phiên giao dịch qua đêm.

[Tỷ giá đồng euro tiếp tục "lao dốc" xuống mức thấp nhất trong 20 năm]

Đồng euro giảm khoảng 12% kể từ đầu năm nay và giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm vào ngày 12/7, khi xung đột Nga-Ukraine đang gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng và tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng của "lục địa Già."

Đồng euro tiếp tục mất giá do lo ngại rằng việc đóng cửa theo lịch trình bảo trì của đường ống Nord Stream 1 - đường ống quan trọng để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga sang châu Âu - có thể kéo dài vĩnh viễn.

Các nhà phân tích cho rằng đồng tiền chung có thể giảm hơn nữa nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên nhanh chóng.

Giá tiêu dùng tăng cao khiến các nhà đầu tư đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất. Các nhà kinh tế dự báo lạm phát của Mỹ có thể tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng Sáu vừa qua, mức cao nhất trong 40 năm.

Neil Wilson, nhà phân tích thị trường chính tại sàn giao dịch Markets.com, cho biết: “Lần đầu tiên đồng euro gần ngang giá với đồng USD kể từ năm 2002. Đồng tiền này đã trượt giá trong nhiều tháng nhưng mức thấp mới chủ yếu được thúc đẩy bởi do lo ngại gia tăng về việc Nga có thể cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu trong mùa Đông này."

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire cuối tuần trước cảnh báo rằng rất có thể Nga sẽ cắt đứt nguồn cung khí đốt cho châu Âu, càng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế trong khối và ngăn cản đồng tiền chung phục hồi.

Ông Wilson cho rằng đã đến lúc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải có hành động quyết định trước tình hình này. Ông nói: "Lạm phát trên 8% và lãi suất vẫn âm... đó là điều điên rồ.”

Gần đây, đồng bảng Anh cũng suy yếu so với đồng USD, xuống 1,185 USD/bảng Anh vào sáng ngày 12/7, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, chịu sức ép bởi sự bất ổn chính trị và triển vọng kinh tế u ám.

Cuộc chạy đua để vào vị trí Thủ tướng Vương quốc Anh thay thế ông Boris Johnson đang "nóng" lên, với nhiều ứng cử viên hứa hẹn cắt giảm thuế.

Áp lực giảm giá của đồng euro và đồng bảng Anh phản ánh mối quan tâm lớn về triển vọng kinh tế.

Theo ông Walson, giữa bối cảnh lạm phát tăng vọt và các nhà chức trách vẫn chưa có kế hoạch kiểm soát nó, các loại tiền tệ đang ngồi im "chịu trận" nhìn đồng USD đi lên.

Chiến lược gia Australia Joe Capurso cho biết: "Khả năng cao là đồng euro giảm xuống dưới mức tương đương với đồng USD vào tối nay."

Đồng euro cũng giảm xuống dưới mức ngang bằng với đồng franc Thụy Sỹ vào tháng trước và đang có xu hướng rơi xuống dưới mức giao dịch trung bình 200 ngày so với đồng bảng Anh.

Đồng euro và yen của Nhật Bản suy yếu đã giúp nâng chỉ số đồng USD, đạt mức cao nhất trong hai thập kỷ.

Đồng yen mất giá kể từ đầu năm nay khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định gắn bó với chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, đi ngược với xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ ở hầu hết các nền kinh tế lớn khác.

Đồng tiền này đứng ở mức 137,055 yen/USD vào ngày 13/7, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ năm 1998 là 137,75 yen/USD vào ngày 11/7./.

Minh Trang (TTXVN/ Vietnam+)