Đồng chí Nguyễn Khánh: Tấm gương về sự khiêm tốn, mẫu mực và chân tình
Ông Nguyễn Túc cho biết, ông thường gọi thân mật nguyên Phó Thủ tướng bằng “anh Khánh” và nhớ như in về người anh hơn 9 tuổi rất đáng kính, một người trí tuệ, có kinh nghiệm thực tiễn trong công tác.
“Nguyên Phó Thủ tướng rất ít khi nói về mình và luôn dành sự tôn trọng với mọi người xung quanh. Đó là người có nhân cách, tấm gương về sự khiêm tốn, mẫu mực và chân tình.” Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi trao đổi với phóng viên TTXVN về nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh.
“Một người anh đáng kính”
Là người có nhiều năm công tác và gắn bó với nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, ông Nguyễn Túc không dấu được nỗi bồi hồi, xúc động khi nghe tin nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh từ trần vào ngày 19/7 vừa qua.
Ông Nguyễn Túc cho biết, ông thường gọi thân mật nguyên Phó Thủ tướng bằng “anh Khánh” và nhớ như in về “người anh hơn 9 tuổi rất đáng kính, một người trí tuệ và có kinh nghiệm thực tiễn trong công tác.”
Ấn tượng lớn nhất trong ông, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh là người có khả năng làm công tác thuyết phục và vận động quần chúng rất tốt.
“Nguyên Phó Thủ tướng có kinh nghiệm là Bí thư Đảng đoàn thanh niên tỉnh, Bí thư Tỉnh Đoàn thanh niên cứu quốc tỉnh Thái Nguyên, đồng thời, anh cũng là người gắn bó với mọi tầng lớp nhân dân, luôn kiên trì lắng nghe những ý kiến chia sẻ, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân,” ông Túc nói.
Sau khi nghỉ hưu, nguyên Phó Thủ tướng được mời làm Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa-xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhớ về một kỷ niệm ấn tượng với nguyên Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Túc kể, trong một lần đi khảo sát địa phương cùng lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ban Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa-xã hội, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh “từ chối” tiêu chuẩn đi xe riêng.
“Anh Khánh nói với chúng tôi, 'chúng mình’ đi chung một xe để tiết kiệm, trên xe trao đổi thuận tiện hơn,” ông Nguyễn Túc kể.
Và trong những chuyến công tác địa phương, “anh Khánh” thường không phát biểu ngay mà đề nghị mọi người phát biểu trước và tập trung lắng nghe ý kiến của nhân dân, các thành viên ban Chủ nhiệm Hội đồng, người có chuyên môn, chuyên gia về đại đoàn kết toàn dân tộc. Sau khi ghi chép đầy đủ các ý kiến, ông mới góp ý, trao đổi lại.
[Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh từ trần]
Trong công việc, nguyên Phó Thủ tướng rất cẩn thận, nghiêm túc và liêm khiết; trao đổi thẳng thắn để tìm ra phương thức hoạt động phù hợp với công tác mặt trận, phát huy những cái đẹp, cái mới, xử lý hài hòa các vấn đề người dân nêu.
Ông có cách tiếp cận gần gũi, giản dị nhưng đầy tính thuyết phục để các tầng lớp nhân dân, nhân sỹ, trí thức mở lòng hơn, chia sẻ về những tâm tư, mong muốn, trăn trở với những cán bộ làm công tác mặt trận.
“Nguyên Phó Thủ tướng rất ít khi nói về mình và luôn dành sự tôn trọng với mọi người xung quanh; luôn chu đáo, quan tâm đến cấp dưới, thân thiết như anh em, không có khoảng cách hay phân biệt. Đó là người có nhân cách, tấm gương sáng về sự khiêm tốn, mẫu mực và chân tình.”
Trong công việc, dẫu bận rộn như vậy, nhưng khi trở về nhà, ông Nguyễn Túc nói, nguyên Phó Thủ tướng là một người chồng mẫu mực, hết lòng chăm sóc cho vợ (là bà Lưu Khánh Mỹ), nhất là khi bà bị bệnh.
“Đó là một người vẹn tròn nghĩa tình, tôi rất khâm phục,” ông Nguyễn Túc nói.
Thúc đẩy tổng rà soát toàn bộ hệ thống quản lý
Còn đối với nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc (từng giữ chức Tổng Thư ký Ban Chỉ đạo Cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ), người có gần 10 năm đồng hành với nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh thì ông là người mẫu mực, trách nhiệm, nghiêm túc, nhiệt huyết.
Nhấn mạnh dấu ấn lớn nhất của của nguyên Phó Thủ tướng là khi làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, ông Thang Văn Phúc kể, trong giai đoạn từ 2001-2010, nguyên Phó Thủ tướng là một người rất nhiều sáng kiến trong cải cách, luôn nung nấu thay đổi những phương pháp, cách thức cũ, từ cơ cấu Chính phủ đến quản lý điều hành, phương pháp để giải phóng nguồn lực.
Theo ông Thang Văn Phúc, lúc đó, việc giải phóng nguồn lực để phát triển có vai trò cực kỳ quan trọng nhưng còn gặp nhiều vướng mắc trong vấn đề thể chế. Do đó, nguyên Phó Thủ tướng luôn trăn trở với việc cơ cấu lại bộ máy Chính phủ phù hợp với thời kỳ mới, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Nguyên Thứ trưởng Thang Văn Phúc nhận định, để thực hiện chủ trương này, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh góp phần rất quan trọng trong việc thúc đẩy tổng rà soát toàn bộ hệ thống quản lý của bộ máy Chính phủ và chính quyền các cấp.
Thời điểm này, Ban Chỉ đạo Cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ đã tích cực làm việc với 64 tỉnh, thành phố trên cả nước và lãnh đạo tất cả bộ, ngành để tổng rà soát từ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động đến cách thức chỉ đạo...
Đây cũng là việc nguyên Phó Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt trong suốt hơn một năm và từ đó chỉ ra những vấn đề cần cải cách, điều chỉnh và xây dựng các nội dung trọng tâm cho cải cách.
Ông Thang Văn Phúc nhấn mạnh, nguyên Phó Thủ tướng có vai trò rất quan trọng trong việc thông qua chương trình tổng thể giai đoạn 1 (2001-2010), được trong nước và thế giới đánh giá cao bởi đây là chiến lược cải cách của Việt Nam phù với thực tiễn đang thay đổi.
Đánh giá cao vai trò của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh trên cương vị Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, ông Thang Văn Phúc cho biết: “Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử của chính quyền mới kể từ năm 1945, chúng ta có một cuộc tổng rà soát hệ thống quản lý của bộ máy Chính phủ và chính quyền các cấp. Việc này có ý nghĩa quan trọng, vừa có tính kế thừa, vừa kiên quyết thay đổi, đổi mới, làm cho chương trình tổng thể có sức tập hợp và tổ chức thực hiện hiệu quả trong thực tiễn.”
Trong gần một thập kỷ làm việc với nguyên Phó Thủ tướng trên con đường cải cách, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, điều ấn tượng nhất trong ông là, tất cả anh em cán bộ làm việc dưới thời nguyên Phó Thủ tướng đều được học rất nhiều điều từ người lãnh đạo mẫu mực.
Đó không chỉ là tinh thần, thái độ nghiêm túc, đầu óc tinh nhanh trong công việc mà còn là cách giải quyết vấn đề đúng, chính xác để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Chính phủ trong điều kiện đổi mới và cải cách.
Đồng chí Nguyễn Khánh (tên khai sinh Nguyễn Ngọc Khánh), sinh ngày 31/3/1928; quê quán: xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội).
Đồng chí nguyên là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VI, VII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VI; Phó Thủ tướng Chính phủ; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, do tuổi cao, sức yếu, đồng chí đã từ trần hồi 20 giờ 57 phút, ngày 19/7/2023 (tức ngày 2 tháng 6 năm Quý Mão) tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 96 tuổi.
Gần 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác./.