Đồng bào Phật giáo Hòa Hảo chung sức xây dựng quê hương
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, đồng bào Phật giáo Hòa Hảo toàn đạo đã đóng góp trên 200 tỷ đồng thực hiện các hoạt động xã hội-từ thiện, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng nhà Đại đoàn kết...
85 năm qua, kể từ khi Phật giáo Hòa Hảo được Đức Huỳnh Phú Sổ sáng lập (năm 1939) và được Nhà nước công nhận tổ chức tôn giáo (năm 1999), tổ chức Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo đã không ngừng mở rộng, đời sống đồng bào không ngừng được nâng lên.
Từ năm 2019 đến nay, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo cùng đồng bào trong toàn đạo đã đóng góp gần 2.500 tỷ đồng thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện, xây dựng nông thôn mới, xây nhà đại đoàn kết, giúp đỡ người nghèo.
Qua đó, tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nâng cao đời sống đồng bào, mở rộng tổ chức
Ông Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo cho biết, 85 năm qua, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo đã có bước phát triển rất tích cực, rõ nét trong tất cả các mặt.
Theo ông Nguyễn Tấn Đạt, so với nhiệm kỳ I (năm 1999), Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo chỉ có 257 đại diện và trợ lý đạo sự; đến nay, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo đã có 406 Ban Trị sự cơ sở ở các xã, phường, thị trấn và 5 điểm nhóm sinh hoạt tại 18 tỉnh, thành phố trong cả nước, từ Cà Mau (cực Nam Tổ quốc) cho tới thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Bình Định (miền Trung)…
Nhân sự của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo từng bước được bổ sung và tăng cường, đáp ứng yêu cầu công việc của Giáo hội.
Một bộ phận Trị sự viên, chức việc, nhân viên của Giáo hội nỗ lực tu học, phấn đấu học tập, vươn lên, được nêu gương trong các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc các cấp phát động.
Trưởng ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Tấn Đạt khẳng định, nơi nào có tổ chức Ban Trị sự cơ sở, nơi đó các hoạt động đạo sự và việc tu hành của đồng bào được hướng dẫn theo đúng tôn chỉ Giáo lý của Đức Thầy và đường hướng hành đạo của Giáo hội.
Bà con được hướng dẫn đóng góp nhiều hơn cho các hoạt động từ thiện-nhân đạo, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, hạn chế những biểu hiện sai lệch tôn chỉ Giáo lý, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội.
Cũng theo Trưởng ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Tấn Đạt, ngoài 4 chương trình đạo sự trong tâm, các đạo sự phụ trợ khác như văn thư hành chính, tài chính, giáo sản… tiếp tục triển khai có hiệu quả.
Thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo được Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang công nhận thêm 3 chùa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để Giáo hội xây dựng mới 22 trụ sở.
Công tác quản lý, điều hành Ban Quản tự các chùa Phật giáo Hòa Hảo có chuyển biến tốt, phục vụ thường xuyên, bảo đảm cho các chương trình đạo sự trọng tâm và sự điều hành của Ban Trị sự Trung ương, Ban Đại diện tỉnh, thành phố, Ban Trị sự cơ sở được xuyên suốt, nhất quán…
Trưởng ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo cho rằng, để đạt được những thành tựu trên, trước hết là nhờ chủ trương, chính sách, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo nói chung, Phật giáo Hòa Hảo nói riêng.
Cùng với đó là sự đồng tâm, hiệp lực của Giáo hội và toàn thể đồng bào trong việc giữ gìn, bảo vệ và thực hành lời dạy của Đức Thầy nhằm đem lại những điều tốt đẹp nhất cho toàn thể nhân dân.
Gắn kết đạo-đời
Với đường hướng “Vì đạo pháp, vì dân tộc,” tôn chỉ hành đạo “học Phật, tu nhân,” thể hiện lòng nhân ái, tình yêu thương con người, đồng bào Phật giáo Hòa Hảo tích cực tham gia các hoạt động từ thiện-xã hội, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng, góp phần xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ông Lê Ngọc Lợi, Phó trưởng Ban Trị sự Trung ương, Trưởng ban Từ thiện-Xã hội Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo cho biết thời gian qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ban, ngành, đoàn thể các địa phương, sự đồng hành, ủng hộ của nhà hảo tâm, người dân, hoạt động từ thiện - xã hội của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo đã có những đóng góp tích cực thể hiện trên nhiều mặt: Chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, xây nhà từ thiện, xây dựng, sửa chữa cầu, đường nông thôn, bếp ăn từ thiện, tặng quà người nghèo, bảo vệ môi trường…
Đặc biệt, những năm gần đây, công tác khuyến học được đẩy mạnh bằng việc xây dựng bếp ăn sinh viên, tặng học bổng, mua sắm dụng cụ học tập, phương tiện đi lại, hỗ trợ bảo hiểm y tế… với tổng trị giá gần 6 tỷ đồng.
Năm 2023, Ban Từ thiện-Xã hội (Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo) phối hợp các Ban Trị sự cơ sở xây mới 3.041 căn nhà tình thương (hơn 62 tỷ đồng), 188 cây cầu nông thôn (gần 90 tỷ đồng)…
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, đồng bào Phật giáo Hòa Hảo toàn đạo đã đóng góp trên 200 tỷ đồng (riêng tỉnh An Giang đạt trên 45 tỷ đồng) thực hiện các hoạt động xã hội-từ thiện, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương, giúp đỡ người nghèo...
Theo Trưởng ban Từ thiện-Xã hội Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Lê Ngọc Lợi, thời gian tới, hoạt động tiếp tục được đa dạng hóa với nhiều loại hình, mô hình, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cộng đồng.
Căn cứ điều kiện thực tế từng địa phương và người nghèo cần giúp đỡ, Ban nghiên cứu đẩy mạnh nội dung đó, huy động nhiều thành phần tham gia.
Nhờ vậy, hoạt động từ thiện-xã hội phù hợp thực tế cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho người nghèo và cộng đồng.
Ông Lê Ngọc Lợi cho biết, luôn trân trọng cấp ủy, chính quyền các cấp thời gian qua đã quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào theo đạo Phật giáo Hòa Hảo sinh hoạt tôn giáo.
Từ đó, bà con ngày càng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, tiếp tục sống “tốt đời, đẹp đạo” cùng chung tay xây dựng quê hương, đất nước.
Chủ tịch Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng nhấn mạnh, từ thiện-xã hội là một trong những hoạt động đạo sự trọng tâm của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, qua các nhiệm kỳ đã đạt được kết quả cao.
Giá trị đóng góp từ thiện-xã hội trong toàn đạo nhiệm kỳ sau luôn cao hơn nhiệm kỳ trước: Nhiệm kỳ I (1999-2004) hơn 22 tỷ đồng, đến nhiệm kỳ V (2019-20024) đạt gần 2.500 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Tiếc Hùng, với việc phát triển nền đạo gắn với phát huy giá trị đạo đức và tinh hoa văn hóa dân tộc, phối hợp cùng chính quyền chăm lo cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đồng bào theo đạo Phật giáo Hòa Hảo, Ban Trị sự Trung ương, Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, thành phố, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo cơ sở góp phần cùng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp vận động chức việc, bà con nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.