Đón nhận bằng Di tích Quốc gia với địa điểm trận chiến ngày 6/6/1969 ở Bình Ba
Di tích lịch sử "Địa điểm trận chiến ngày 6/6/1969 tại Bình Ba" (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là nơi tưởng niệm 3.050 anh hùng liệt sỹ của Trung đoàn 33 đã hy sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước.
Ngày 2/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đối với di tích lịch sử "Địa điểm trận chiến ngày 6/6/1969 tại Bình Ba, xã Bình Ba, huyện Châu Đức."
Di tích lịch sử "Địa điểm trận chiến ngày 6/6/1969 tại Bình Ba" tọa lạc tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; có diện tích hơn 4.017m2.
Ngày nay, khu di tích là nơi tưởng niệm 3.050 anh hùng liệt sỹ của Trung đoàn 33 đã hy sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước.
Di tích mang nhiều giá trị về lịch sử, khoa học quân sự; ca ngợi sự dũng cảm hy sinh quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc; để lại bài học lịch sử quý giá cho chiến thuật, chiến lược quân sự tại chiến trường.
Từ ngày 27/7/2003, khu di tích được Ủy ban Nhân dân tỉnh khánh thành với những ý nghĩa và giá trị lịch sử; đến năm 2012, được Ủy ban Nhân dân tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Năm 2021, địa phương lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia cho "Địa điểm trận chiến ngày 6/6/1969 tại Bình Ba" và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận vào cuối năm 2023.
Tại lễ công bố, ông Huỳnh Đức Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu công bố Quyết định 4248/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về xếp hạng Di tích quốc gia đối với di tích lịch sử "Địa điểm trận chiến ngày 6/6/1969 tại Bình Ba," xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nhấn mạnh đây là di tích mang nhiều giá trị về lịch sử, khoa học, quân sự, ca ngợi sự dũng cảm hy sinh quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc của những người lính Bộ đội Cụ Hồ cùng với tình yêu thương đùm bọc của nhân dân các địa phương nơi các anh đóng quân và chiến đấu.
Khu di tích lịch sử này là một chứng tích chiến tranh bi hùng gợi lên những mất mát hy sinh và công lao to lớn của lớp lớp cha anh; là địa chỉ đỏ, nơi giáo dục lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng anh hùng, nơi tham quan du lịch tâm linh cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Châu Đức phối hợp với các ngành, cấp tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, chủ động xây dựng phương án bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo hướng gìn giữ, bảo tồn tối đa các yếu tố nguyên gốc cấu thành di tích; tăng cường truyền thông, quảng bá về các giá trị của di tích lịch sử để các thế hệ trẻ học tập và noi theo./.